Long An là tỉnh có diện tích trồng đay lớn nhất cả nước với hơn 3.500ha, nhằm đáp ứng yêu cầu gieo sạ kịp thời vụ và giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động như hiện nay, ông Bùi Hữu Nghĩa (Chín Nghĩa) - Chủ Cơ sở sản xuất nông nghiệp Chín Nghĩa đã nghiên cứu chế tạo máy gieo sạ đay. Mô hình kỹ thuật máy gieo sạ đay có tổng kinh phí thực hiện trên 3.137 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 180 triệu đồng, phần còn lại do đơn vị thụ hưởng đóng góp. Tại buổi trình diễn, các hộ nông dân rất vui mừng và phấn khởi trước hiệu quả của máy gieo sạ đay, giúp người trồng đay khắc phục được cơ bản tình trạng thiếu lao động khi đến mùa vụ sản xuất.
Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, đồng thời phát huy nghề truyền thống của địa phương, Trung tâm Khuyến công Long An đã phối hợp với Hộ kinh doanh Trần Văn Kỉnh xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất bánh tráng. Mô hình có hệ thống dây chuyền sản xuất bánh tráng tự động với công suất thiết kế khoảng 15.000 kg thành phẩm/tháng. Qua thời gian vận hành thử nghiệm, dây chuyền sản xuất đã cho kết quả như: năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao; hệ thống sản xuất không gây ô nhiễm môi trường, sản xuất ổn định, đáp ứng được yêu cầu của thị trường tiêu thụ. Tại Hội nghị trình diễn kỹ thuật, các đại biểu đều đánh giá đây là mô hình sản xuất bánh tráng mới và mang lại hiệu quả cao. Mô hình có tổng kinh phí thực hiện là 2.115 triệu đồng, trong đó, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ là 140 triệu đồng, phần còn lại do đơn vị thụ hưởng đóng góp.
Với sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia cũng như địa phương, hoạt động khuyến công của Trung tâm Khuyến công Long An đã khuyến khích động viên được các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trên địa bàn mạnh dạn nghiên cứu, đầu tư, đổi mới, ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương. Đây chính là hiệu quả thiết thực mà các chương trình khuyến công mang lại.
Châu Long