Vì vậy, việc đảm bảo an toàn cho bản thân khi tham gia giao thông là điều hết sức cấn thiết. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông bằng phương tiện mô tô, xe máy chính là sử dụng mũ bảo hiểm xe máy có chất lượng và đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật. Tuy nhiên, trên thực tế chất luợng mũ bảo hiển xe máy hiện hành đang ở mức báo động, cần có sự vào cuộc chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Hiện nay trên thị trường, mũ bảo hiểm (MBH) được kinh doanh tràn lan với đa dạng chủng loại, của nhiều nhà sản xuất trong nước, nhập khẩu, nhập lậu với nhiều mẫu mã , kiểu dáng. Do đó, việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng mũ bảo hiểm đang lưu hành trên thị trường hiện nay gặp rất nhiều khó khăn.
Đi ngoài đường, chúng ta dễ dàng bắt gặp rất nhiều người điều khiển và người ngồi sau xe máy đội mũ bảo hiểm thời trang, nhiều họa tiết, thậm chí có thêm vành mũ che mưa nắng, có những loại mũ được phủ bên ngoài là vải hoặc da. Người ta đua nhau mua và đội chỉ vì nó rẻ, nó thời trang, nó gây ấn tượng đối với người khác, còn chất lượng đến đâu, có bảo vệ được người sử dụng hay không thì chẳng ai quan tâm. Người tiêu dùng thường bỏ qua các tiêu chí đơn giản để phân biệt một chiếc mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng. Họ vô tình quên rằng cấu tạo một chiếc mũ bảo hiểm có ba phần chính: lớp nhựa ngoài cùng, lớp xốp phía trong và quai đeo. Khi có va chạm, lớp vỏ nhựa ngoài cùng có tác dụng làm phân tán lực (co giãn); lớp xốp bên trong tiếp tục phân tán và hấp thụ những xung động sau khi đã bị phân tán vẫn xuyên qua lớp vỏ nhựa, giảm chúng xuống còn tối thiểu để không gây chấn thương cho đầu, sọ não. Vì thế, lớp nhựa ngoài càng nhẵn bóng, tròn và không có các vật cản như vành mũ nhựa, vải, đinh tán nhô ra ngoài… thì lực càng phân tán tốt, không tập trung vào trọng điểm. Bên cạnh đó, quai mũ chắc chắn, có khóa cài cẩn thận cũng là một yếu tố quan trọng để giúp mũ cố định vị trí khi có lực va chạm…
Đứng trước những biến tấu và chất lượng không đảm bảo của những chiếc MBH đang được bày bán tràn lan trên thị trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng, đòi hỏi phải có sự quyết tâm vào cuộc của tất cả mọi người, các cấp, các ngành, từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt, là ý thức của các đối tượng trực tiếp tham gia giao thông. Bên cạnh việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng và các hệ thống cảnh báo giao thông đảm bảo chất lượng thì các phương tiện tham gia giao thông, người tham gia giao thông cần nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông trên tất cả các tuyến đường theo quy định của Chính phủ đã được 90% người tham gia giao thông chấp hành, nhưng có tới 70% trong số đó là sử dụng mũ giả, mũ kém chất lượng. Việc sử dụng mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng tham gia giao thông khi tai nạn giao thông xảy ra thường gây hậu quả khá nghiêm trọng về người, tài sản của người tham gia giao thông vì chất lượng mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng.
Nhận thấy được thực trạng trên, trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều biện pháp nhằm tăng cường quản lý các cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm trên toàn quốc, đặc biệt, ngày 08/3/2013 Thủ tướng Chính phủ đã cóChỉ thị số 04/CT-TTg về tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, Sau khi nhận được Chỉ thị của Thủ tướng chính Phủ cũng trong ngày 08/3/2013, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hà Nam đã có công văn số 62/QLTT vềviệc tăng cường kiểm tra mặt hàng mũ bảo hiểm,chỉ đạo các đội QLTT trực thuộc điều tra, thống kê, kiểm tra các cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm trên địa bàn quản lý. Sáng ngày 14/3/2013 toàn lực lượng đã ra quân kiểm tra các cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm. Ngoài mục đích phát hiện, đấu tranh ngăn chặn và xử lý những trường hợp vi phạm trong kinh doanh mũ bảo hiểm thì cuộc ra quân lần này còn có ý nghĩa tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mũ bảo hiểm và đặc biệt là làm cho người dân hiểu và không sử dụng mũ bảo hiểm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, mũ giả, mũ không đảm bảo chất lượng gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của mình và người thân.
Kết quả kiểm tra từ ngày 14/3 đến ngày 15/3/2013 Chi cục QLTT đã kiểm tra 16 cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm xe máy, phát hiện 09 cơ sở vi phạm, tịch thu và tạm giữ 157 chiếc có dấu hiệu vi phạm chờ xử lý..
Hi vọng rằng sau những nỗ lực của các cơ quan chức năng thì thị trường mũ bảo hiểm trên toàn quốc cũng như trên địa bàn tỉnh Hà Nam sớm có những tín hiệu khả quan, đóng góp một phần quan trọng vào việc xây dựng một thị trường lành mạnh.
Nguồn:Sở Công Thương tỉnh Hà Nam