Theo đó, nhằm chuẩn bị mọi điều kiện tối ưu nhất để TT- Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2015, trong đó ngành Công Thương đóng vai trò quan trọng. Đánh giá về hoạt động của ngành Công Thương năm 2011, ông Võ Phi Hùng- Giám đốc Sở cho rằng đã có sự tăng trưởng trên các lĩnh vực. Ngành đã nỗ lực cùng DN vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh; hàng hóa trên thị trường đa dạng, phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân; không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng giả tạo, ngăn ngừa và xử lý kịp thời các hành vi kinh doanh trái pháp luật. Tình hình cung cấp điện ổn định, đảm bảo phục vụ cho sản xuất công nghiệp và sinh hoạt của người dân. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,1%, trong đó tăng cao nhất là khối ngoài quốc doanh, tăng 26,7% nhờ mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, khai thác tốt thị trường; khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài (bia, xi măng) có dấu hiệu chậm lại nhưng vẫn tăng 8,4% do bị cạnh tranh gay gắt cũng như ảnh hưởng bởi việc thắt chặt đầu tư công.
Các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn bước đầu đã phát huy hiệu quả. Năm 2011, 6 KCN của tỉnh đã thu hút 78 dự án đầu tư với tổng số vốn 8.668,1 tỷ đồng, trong đó 22 dự án FDI, cấp mới của năm 2011 là 6 dự án. Ngoài ra 18 cụm công nghiệp (CCN) hiện có 111 dự án đăng ký đầu tư, trong đó có 40 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 351 tỷ đồng.
Việc khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống được quan tâm đúng mức. Năm 2011 với tổng nguồn vốn khuyến công 2.326 tỉ đồng (ngân sách quốc gia 880 triệu) đã triển khai hoàn thành 35 đề án; hỗ trợ cho 12 dự án đào tạo nghề mộc mỹ nghệ, mây tre đan, hoa giấy Thanh Tiên… giải quyết việc làm cho 2.200 lao động nông thôn; tổ chức 4 lớp tập huấn, khôi phục và phát triển 3 làng nghề nông thôn.
Hoạt động thương mại đa dạng, phong phú; cơ sở hạ tầng thương mại có bước phát triển. Hiện nay, trên địa bàn có 130 cửa hàng xăng dầu, 2 trung tâm thương mại, 8 siêu thị, 154 chợ. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có sức thu hút, tạo thói quen mới cho người tiêu dùng địa phương. Tổng mức bán lẻ năm 2011 đạt 17.700 tỉ đồng, tăng 22,2%.
Đáng kể nhất là hoạt động xuất khẩu tăng mạnh. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2011 đạt 380,33 triệu USD, tăng 47,69% là một trong 5 địa phương của cả nước có mức tăng trưởng cao nhất. Sản phẩm XK tăng khá là dệt may 45,02%, sản phẩm gỗ tăng 64,73%, nông thủy sản tăng gấp 2,3 lần năm 2010… Thị trường XK chủ yếu là Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Asean, Canada, Ai Cập, Australia, các nước Ả rập… KNNK đạt 253,15 triệu USD chủ yếu là nguyên phụ liệu ngành may, máy móc, thiết bị…
Thành công như vậy nhưng các DN ngành Công Thương vẫn nhận thấy còn nhiều tồn tại phải khắc phục để năm 2012 có bước phát triển lớn hơn. Như chưa phát triển được năng lực sản xuất mới của ngành công nghiệp; chi phí SX hàng xuất khẩu còn cao; hoạt động XK còn phụ thuộc vào một số sản phẩm chủ lực mang tính chất gia công, giá trị gia tăng không cao; SX công nghiệp ở một số DN hiệu quả thấp…
Bước vào “năm bản lề” 2012, ngành Công Thương tỉnh TT- Huế trên cơ sở tiềm năng lợi thế đã đặt chỉ tiêu phấn đấu đưa giá trị SX công nghiệp giữ đà tăng trưởng 14,5%; tổng mức bán lẽ hàng hóa tiêu dùng tăng 20%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 400 triệu USD. Để làm được điều đó, ngành Công Thương TT- Huế bám sát đề án “Xây dựng TT- Huế trở thành TP trực thuộc trung ương” hoàn thành tốt từng giai đoạn theo qui hoạch; tập trung đẩy mạnh SX công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp trên các lĩnh vực (vật liệu xây dựng, chế biến khoáng sản, nông sản thực phẩm, dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ…). Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, làng nghề; đặc biệt nhất là tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các DN, hỗ trợ DN phát triển SX, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao, mở rộng thị trường XK…
Ông Nguyễn Văn Cao- Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, năm 2012 vẫn còn khó khăn lớn nhưng xác định đây là “năm bản lề” của kế hoạch xây dựng TT- Huế trở thành Thành phố trực thuộc trung ương trước năm 2015. Vì vậy các DN ngành công thương cũng như các ngành khác cùng lãnh đạo tỉnh nêu quyết tâm lớn ngay từ đầu năm hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế- xã hội đã đề ra. Khó khăn chính là thử thách, giúp DN trưởng thành hơn trong cơ chế thị trường. Nếu DN nào nắm bắt cơ hội, biết chớp thời cơ thì sẽ tìm được lối ra, đứng vững và phát triển mạnh
Trần Minh Tích (công thương điện tử)