Với hệ thống giao thông thuận lợi, dân cư tập trung đông, lực lượng lao động trẻ dồi dào vừa là lợi thế để thu hút các nhà đầu tư về đầu tư tại Nam Định.

Thế nhưng đây cũng là gánh nặng cho công tác giải quyết việc làm cho lực lượng lao động nông thôn. Từ năm 2010 đến năm 2013, tỉnh Nam Định đã tổ chức triển khai nhiều khóa đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh bằng nguồn kinh phí khuyến công Quốc gia. Các nghề được đào tạo là nghề may công nghiệp, nghề cơ khí, nghề sản xuất giầy da xuất khẩu, nghề chế biến thủy hải sản, nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ đồ gỗ…


Bắt đầu từ năm 2014, UBND tỉnh Nam Định đã quyết định hỗ trợ trên 2,1 tỷ đồng để thực hiện 29 chương trình, đề án khuyến công đợt 1. Trong đó có: 10 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới và bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện… 4 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; 14 lớp đào tạo nghề cho người lao động ngay tại doanh nghiệp. Hình thức đào tạo này được đánh giá là vừa phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của DN, vừa bảo đảm sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ đúng đối tượng.


6 tháng đầu năm 2014, các huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Vụ Bản, Nghĩa Hưng đã tổ chức được 14 lớp đào tạo các nghề: Thêu ren, đan cói, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu… cho gần 500 lao động nông thôn với tổng kinh phí gần 600 triệu đồng.


Từ nguồn hỗ trợ kinh phí khuyến công Quốc gia, các doanh nghiệp tại Nam Định đã có điều kiện đầu tư hoàn thiện hệ thống máy móc, thiết bị sản xuất và tổ chức hội nghị trình diễn kỹ thuật sản xuất các sản phẩm mới bảo đảm chất lượng, được thị trường chấp nhận và tiêu thụ tốt, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động.


Lê Hùng (ARID)