Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2005 tăng 23,6%, năm 2006 tăng 23,7%, năm 2007 tăng 25,01%, năm 2008 tăng 23,47%, năm 2009 tăng 13% so với năm trước. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm (2005-2009) là 21,76%/năm. Các ngành có mức tăng trưởng bình quân cao gồm: Cơ khí, điện, điện tử và gia công kim loại tăng 21,76%/năm; Dệt may, da giày tăng 20,44%/năm; Chế biến thực phẩm đồ uống tăng 16,95%/năm; Sản xuất vật liệu xây dựng tăng 24,34%/năm; Các ngành khác tăng 24,16%/năm. Các sản phẩm đều có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ, nhất là sản phẩm xuất khẩu như: may mặc, khăn mặt xuất khẩu, hàng thủ công mỹ nghệ (sơn mài, tre cuốn, mây tre đan…).
Thực hiện Chương trình phát triển CN-TTCN và làng nghề giai đoạn 2006-2010, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp đã tập trung vào các dự án đào tạo, truyền nghề, dạy nghề, nhân cấy nghề mới, có sự phối kết hợp chặt chẽ với các DN tại các làng nghề và các DN gia công đặt hàng tại khu vực nông thôn. Do vậy, số lao động sau khi đào tạo xong đều được tham gia sản xuất tại các cụm công nghiệp, DN, hợp tác xã, làng nghề trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.
Nhiều làng nghề được khôi phục như: Nghề dệt ở Nam Hồng (Nam Trực), Phương Định (Trực Ninh), Hải Phương (Hải Hậu), làng nghề đồ gỗ La Xuyên (Ý Yên). Nhiều xã đã hình thành xã nghề như Nam Giang (Nam Trực), Yên Tiến (Ý Yên), Xuân Tiến (Xuân Trường). Nhiều làng nghề mới được hình thành, thu hút thêm nhiều lao động đi làm ăn xa trở về sản xuất ngay tại địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đảm bảo an ninh nông thôn... Một số nghề thủ công mỹ nghệ đã tạo việc làm cho nhiều lao động như: Đan bèo tây, bẹ chuối từ cói tại các xã Hợp Hưng (Vụ Bản); Hoàng Nam (Nghĩa Hưng); Giao An, Giao Hương, Hồng Thuận (Giao Thủy); Nghề khảm vỏ trai, vỏ trứng trên sản phẩm tre nứa tại xã Yên Hưng (Ý Yên).
Đến nay toàn tỉnh Nam Định đã có 190/196 xã có nghề, chủ yếu là các làng nghề: cơ khí, dệt may, thêu ren, sơn mài tre nứa ghép, mây tre đan, chế biến lương thực, thực phẩm… Số DN tăng thêm trong giai đoạn 2005-2009 là 494 DN, tổng vốn đăng ký gần 500 tỷ đồng thu hút gần 5.000 lao động. Tổng số lao động CN-TTCN nông thôn là 91.000 lao động.
Ngoài ra, Nam Định đã xây dựng được 2 khu công nghiệp (Khu công nghiệp Hòa Xá 327ha và Khu công nghiệp Mỹ Trung 150ha). Tháng 10/2009, tỉnh đã cấp phép hoạt động cho 110 DN (98 nhà đầu tư trong nước và 12 nhà đầu tư nước ngoài), tổng vốn đăng ký 11.065 tỷ đồng và 143 triệu USD, thu hút khoảng 26.000 lao động. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã xây dựng được 20 cụm công nghiệp, thu hút 372 dự án, với tổng vốn đăng ký 1.976,4 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 12.000 lao động. Việc phát triển các khu, cụm công nghiệp đã góp phần thu hút các nguồn vốn đầu tư, giải quyết lao động, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế của tỉnh, huyện, thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Nhằm góp phần phát triển CN-TTCN và làng nghề, Sở Công Thương Nam Định chủ chương trong năm 2010 và những năm tiếp theo, công tác khuyến công sẽ tiếp tục Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về hoạt động khuyến công và công nghiệp nông thôn; Phối hợp với các trung tâm dạy nghề các huyện thực hiện dạy nghề, truyền nghề khu vực nông thôn. Khuyến khích các DN, đặc biệt là các DN gia công cùng các xã tham gia dạy nghề ngắn hạn; Lựa chọn các DN có dự án đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, đầu tư mở rộng sản xuất, đầu tư mới để hỗ trợ kinh phí chuyển giao công nghệ, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, đào tạo lao động; Hỗ trợ các DN, làng nghề tham gia hội chợ triển lãm, quảng bá giới thiệu sản phẩm, xây dựng bản tin, tập san, chuyên trang, tuyên truyền trên đài, báo về CN-TTCN và làng nghề; Phối kết hợp chặt chẽ với các ngành và các tổ chức chính trị xã hội trong việc thực hiện khuyến công./.
Theo: Báo Kinh tế VN