Tỉnh Nam Định đã có nhiều nỗ lực nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề. Một trong những nguồn vốn đầu tư thực hiện công việc này được tỉnh chú ý và khuyến khích đầu tư là nguồn quỹ khuyến công.
Làng nghề ở Nam Định sản xuất với 7 nhóm ngành nghề, trong đó hầu hết các ngành sản xuất đều gây ô nhiễm môi trường như: sản xuất cơ khí, chế biến gỗ, mây, tre đan, làng nghề dệt, tẩy, nhuộm, tái chế nhựa... Các cơ sở sản xuất kinh doanh trong các làng nghề phần lớn chưa qua tâm đến việc bảo vệ môi trường, hầu như chưa có hệ thống xử lý nước thải, thu gom, xử lý rác thải... trong khi các cơ sở này thường nằm lẫn trong các khu dân cư, gây ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ của người dân. Tại làng nghề cơ khí Vân Chàng (huyện Nam Trực), mỗi ngày sử dụng 50-70 tấn thép, 30 tấn than, 14 hộ mạ bản lề và phụ tùng xe đạp thường xuyên sử dụng các loại hoá chất, nước thải từ các bể mạ chạy thẳng ra sông ngòi. Làng nghề Cổ Chất và làng dệt tẩy nhuộm Cự Trữ (huyện Trực Ninh) có 500 hộ, mỗi ngày sản xuất 1 tấn tơ, sử dụng 10 tấn than, 4 lò tẩy sợi, dùng các hoá chất H2SO4, NaOH, H2O2, Zaven..., nước thải đều không xử lý chủ yếu tự thấm vào đất hoặc chảy tràn tự do vào ao, sông, hồ. Các cuộc điều tra trước đây cho thấy, tỷ lệ người dân tại các địa phương này mắc các bệnh về hô hấp, mắt, tiêu hoá, ung thư thường cao hơn nhiều so với những nơi khác. Những ao, hồ, đồng ruộng, nơi có nguồn nước thải sản xuất đổ ra, các lại cây trồng thường bị chết và cho năng suất thấp. Các làng nghề sơn mài Cát Đằng, đúc đồng Tống Xá, gỗ La Xuyên (huyện Ý Yên)... cũng có tình trạng tương tự.
Những năm gần đây, tỉnh Nam Định đã có nhiều cố gắng nhằm cải thiện môi trường tại các làng nghề. Từ năm 2004 đến nay, tỉnh đã thực hiện có hiệu quả dự án "Quản lý chất thải nguy hại" do Thụy Sĩ đã tài trợ. Triển khai dự án, Nam Ðịnh đã phổ biến, khuyến khích các cơ sở sản xuất tại các làng nghề áp dụng công nghệ mới ít gây ô nhiễm và áp dụng chương trình "sản xuất sạch hơn". Hiện đã có hàng chục cơ sở áp dụng chương trình này. Các giải pháp được các cơ sở thực hiện như thay đổi thiết bị, nguyên liệu, tuần hoàn tái sử dụng... Nhờ áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn, ngoài việc nâng cao hiệu quả kinh tế, các doanh nghiệp còn giảm thải vào môi trường các chất thải rắn, hóa chất, bụi, góp phần giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Mặc dù còn nhiều khó khăn tỉnh cũng đầu tư gần 10 tỷ đồng để xây dựng công trình chôn lấp, xử lý chất thải rắn cho 10 xã, thị trấn có làng nghề tại các huyện Trực Ninh, Xuân Trường, Nam Trực, Ý Yên; đầu tư 6,5 tỷ đồng xây dựng Trạm xử lý nước thải ở các cụm công nghiệp, làng nghề tập trung Yên Xá (Ý Yên), Xuân Tiến, Xuân Bắc (Xuân Trường), An Xá (thành phố Nam Ðịnh). Về lâu dài, tỉnh ban hành các nghị quyết về thu phí vệ sinh, thu phí thẩm định đánh giá tác động môi trường, qua đó gây quỹ đầu tư cải thiện vệ sinh môi trường làng nghề trong tỉnh.
Những giải pháp trên cho thấy quyết tâm của tỉnh trong cải thiện môi trường làng nghề, song trên thực tế hiệu quả mang lại chưa thực sự bền vững, đòi hỏi Nam Định phải có giải pháp cơ bản hơn. Trong đó tỉnh cần có quy hoạch phát triển làng nghề trên địa bàn; dành quỹ đất xây dựng các khu sản xuất tập trung, có hệ thống xử lý môi trường hoàn chỉnh để tiếp nhận các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm; có cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp đối với sản xuất làng nghề, đặc biệt là hỗ trợ di dời, cho vay đầu tư, hỗ trợ xử lý môi trường./.
Nguồn: TTXVN