Nâng cao hiệu quả hoạt động là nhiệm vụ cũng như yêu cầu bắt buộc đối với mỗi tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khuyến công. Bên cạnh, sự nỗ lực tích cực của các tổ chức, cá nhân trong triển khai, thực thi các nội dung hoạt động khuyến công thì một yêu cầu quan trọng đó là các hướng dẫn thực hiện chính sách phải cụ thể, rõ ràng, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế.


Trong tháng 7 năm 2016, Cục Công nghiệp địa phương đã tổ chức 02 Hội nghị khuyến công vùng, gồm: Hội nghị công tác khuyến công 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên lần thứ VII năm 2016 và Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ VII - năm 2016. Tại các Hội nghị, đại biểu tham dự đều đã nêu lên thực tế là cần phải rà soát, bổ sung một số chính sách về hoạt động khuyến công để đảm bảo phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế.


Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng,  Nguyễn Thị Thúy Mai: Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công được ban hành ngày 21 tháng 5 năm 2012, trong đó quy định hỗ trợ đối với sản xuất sạch hơn (SXSH). Tuy nhiên, văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 45/2012/NĐ-CP chỉ quy định hỗ trợ về “tư vấn, đánh giá SXSH”, không quy định nội dung hỗ trợ sau đánh giá và đào tạo về SXSH cho cán bộ Trung tâm khuyến công. Đối tượng và phạm vi thụ hưởng bó hẹp khiến các địa phương nói chung và Đà Nẵng nói riêng gặp khó khi triển khai nội dung hoạt động khuyến công này.


Theo Trung tâm Khuyến công Long An: Một số quy định của chính sách khuyến công chưa phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) nên khó mở rộng đối tượng thụ hưởng, như: Một cơ sở sản xuất đồ gỗ cần hỗ trợ máy bào 2 mặt, đối với loại máy này hiện trên thị trường có 02 nguồn là máy nhập khẩu đã qua sử dụng và máy sản xuất trong nước mới 100%, theo yêu cầu phải mua máy mới 100% nhưng cơ sở lại muốn mua máy nhập khẩu qua sử dụng, do máy nhập khẩu qua sử dụng có giá mua rẻ hơn giá máy mới sản xuất trong nước khoảng 30%, độ chính xác cao, bền và điện năng tiêu thụ ít hơn; còn mua máy mới 100% do nước ngoài sản xuất thì khả năng tài chính của cơ sở lại hạn chế.


Một nội dung khác cũng được các đại biểu đề cập đến, đó là văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung hoạt động khuyến công rất cần phải cụ thể, rõ ràng, như “tính vượt trội của công nghệ mới”. Nội dung hỗ trợ đôi khi còn khó xác định trên thực tế dẫn đến cán bộ làm công tác khuyến công lúng túng trong việc xác lập hồ sơ, thủ tục và thẩm tra, thẩm định (tính mới, tính nổi trội của máy móc, thiết bị cần hỗ trợ).


Bên cạnh đó, nhiều nội dung hoạt động khuyến công chưa được hướng dẫn cụ thể như: Hỗ trợ đầu tư phòng trưng bày sản phẩm, hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các cơ sở sản xuất di dời vào các khu, cụm công nghiệp, hỗ trợ thành lập cụm liên kết công nghiệp, sửa chữa nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tại các cơ sở CNNT, cụm công nghiệp ...


Đê nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của các tổ chức, cá nhân thì các hướng dẫn thực hiện chính sách cần rõ ràng, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế. Có như vậy việc nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công mới thực hiện được và hiệu quả.


K.C