Theo hồ sơ PCI năm 2012, điểm tổng hợp kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bình Dương đạt 59,64 điểm, xếp vị trí thứ 19/63 tỉnh, thành. Nhằm nâng của Chỉ số PCI trong năm 2013, ngành Công Thương Bình Dương sẽ tích cực thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.


Hàng quý, Tổ công tác nắm tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp của Sở (có sự tham gia của Cục Thống kê tỉnh) tổ chức Đoàn đến làm việc tại các doanh nghiệp, hiệp hội (06 hiệp hội và khoảng 20 doanh nghiệp). Đồng thời, tổ chức 02 Hội nghị “Tiếp xúc với các doanh nghiệp công nghiệp” (dự kiến vào tháng 6 và tháng 11/2013). Qua đó, Sở trực tiếp nắm tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình lao động, tình hình ký kết hợp đồng, đồng thời nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc cùng các đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp với Sở Công Thương để kiến nghị đến các Sở, ngành có liên quan, UBND tỉnh, Bộ Công Thương kịp thời giải quyết. Ngoài ra, trong năm Sở sẽ phối hợp, hỗ trợ tổ chức Đại hội thành lập Hiệp hội Da giày (dự kiến tháng 7/2013), nâng tổng số Hiệp hội ngành hàng trên địa bàn tỉnh lên 06 Hiệp hội.

Triển khai thực hiện tốt các đề án Khuyến công địa phương và quốc gia nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn và hỗ trợ các đề án chuyển giao công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Theo đó, đề án Khuyến công địa phương năm 2013 đã được phê duyệt là 05 chương trình với tổng kinh phí là trên 01 tỷ đồng; Đề án khuyến công quốc gia (đợt 1) được giao với 02 chương trình và tổng kinh phí là 810 triệu đồng.

Triển khai thực hiện tốt Chương trình Xúc tiến thương mại địa phương năm 2013 đã được phê duyệt với 16 chương trình, tổng kinh phí là trên 04 tỷ đồng. Tổ chức 06 lớp tập huấn, hội thảo để nâng cao nghiệp vụ, kiến thức, ứng dụng thương mại điện tử, v.v… phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh doanh nghiệp. Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia 08 hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, tổ chức 04 đoàn doanh nghiệp khảo sát thị trường trong và ngoài nước để tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường ký kết hợp đồng. Tổ chức 15 chương trình đưa hàng việt về nông thôn, khu cụm công nghiệp tại các huyện, thị trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng hệ thống phân phối, mở rộng thị phần.

Xây dựng kế hoạch cung cầu hàng hóa các mặt hàng thiết yếu như: Lương thực (gạo), xăng dầu, gas, xi măng, sắt thép, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thịt gia súc, gia cầm…).

Tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ để hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất kinh doanh, tổ chức các lớp bồi dưỡng ngày càng đi vào chiều sâu và có hiệu quả. Cung cấp các văn bản quy phạm pháp luật trên trang web của ngành công thương để doanh nghiệp nắm bắt thông tin chính sách thực hiện đúng theo quy định.

Tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý thị trường. Phát hiện kịp thời các hoạt động sản xuất, kinh doanh vi phạm pháp luật, xử lý các hành vi gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 100/KH-SCT ngày 31/01/2013 về việc thực hiện Chỉ thị số 14/CT-BCT của Bộ Công Thương về thực hiện một số biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của công chức quản lý thị trường. Xây dựng quy tắc giao tiếp và ứng xử; Quy chế kiểm tra nội bộ trong toàn Chi cục Quản lý thị trường. Thường xuyên tổ chức tập huấn, hội nghị nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường của lực lượng công chức làm nhiệm vụ này.

Với những hoạt động của ngành kể trên, cùng với sự phát huy tác dụng các giải pháp khác của các ban, ngành trong tỉnh, chắc chắn Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2013 của Bình Dương sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh đã đề ra.

 

Sở Công Thương tỉnh Bình Dương