Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương, với sự phối hợp đồng bộ của các ban ngành, địa phương, triển khai nhiều giải pháp, công nghiệp thương mại trên địa bàn tỉnh Long An, nhất là khu vực nông thôn có những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Trong công tác phát triển công nghiệp, Ngành Công Thương Long An đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Theo đó, quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 toàn tỉnh Long An sẽ có 62 cụm công nghiệp (CCN), với tổng diện tích 3.106,5 ha. Đến cuối năm 2017, đã có 26 dự án được UBND Tỉnh quyết định chủ trương đầu tư cho các nhà đầu tư hạ tầng với tổng diện tích 1.718 ha. Hiện có 19 CCN đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật và tiếp nhận doanh nghiệp vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy của các CCN hoạt động đạt 86,29%.

Triển khai, đẩy mạnh các hoạt động khuyến công nhằm khuyến khích doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, giai đoạn 2008 - 2017, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương, ngành Công Thương Long An đã thực hiện hỗ trợ 79 đề án, với kinh phí 13,24 tỷ đồng. Các nội dung hoạt động khuyến công tập trung vào hỗ trợ đào tạo các nghề: Thêu, đan lục bình, kết cườm…; các lớp kiến thức khởi sự doanh nghiệp cho 5.000 lao động nông thôn, gắn với các cơ sở CNNT. Hỗ trợ thực hiện nhiều mô hình trình diễn kỹ thuật (TDKT), chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, như: Đề tài ứng dụng máy cắt rãi hàng trong cơ giới hóa thu hoạch đay; đề tài nghiên cứu tổ chức sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong một số cụm, tuyến dân cư vượt lũ; đề tài khôi phục và phát triển ngành tiểu thủ công nghiệp truyền thống trên địa bàn Tỉnh đến năm 2010; hỗ trợ ứng dụng thiết bị sơ chế công nghệ ozone và đóng gói rau quả sau thu hoạch; hỗ trợ mô hình TDKT thiết bị sản xuất máy cắt lúa xếp dãy, mô hình TDKT sản xuất gạch bằng công nghệ lò đứng tuynel; mô hình TDKT dây chuyền xử lý, phân loại và đóng gói chanh sau thu hoạch; mô hình TDKT sản xuất rượu vang từ trái thanh long; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị vào dây chuyền sản xuất cốm ngò; sản xuất giấy bằng hệ thống máy xeo, chế biến hạt điều, sản xuất chiếu uzu; thêu vi tính; hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất gỗ theo công nghệ mới đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; mô hình ứng dụng kỹ thuật xử lý nước thải của cơ sở bột Tấn Tài; hỗ trợ ứng dụng máy xử lý ozone trong sơ chế gia cầm; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong chế biến gạo thành phẩm…

Thông qua các hoạt động khuyến công đã góp phần tích cực vào việc phát triển CNNT, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, đồng thời giúp cho nhiều cơ sở sản xuất CNNT mạnh dạn trong quyết định đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Long An.

Triển khai chương trình hành động thực hiện chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020, Ngành Công Thương Long An đã tích cực đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng CCN trên địa bàn, hoàn thành việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải trong các CCN, giảm thiểu phát thải góp phần bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường. Trong 19 CCN hoạt động, các CCN đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và đưa vào vận hành như: Lợi Bình Nhơn, Nhựa Đức Hòa, Liên Hưng, Liên Minh, Đức Thuận Long An… Ngành cũng đang tiếp tục triển khai thực hiện chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020; triển khai Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2014 – 2015 và định hướng đến năm 2020.

Triển khai Quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020 và Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2016 – 2025, có xét đến 2035, hàng năm bằng nguồn vốn của ngành Điện và các nguồn vốn vay, ngành Điện của Tỉnh đã đã thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện phục vụ sản xuất và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Tính đến cuối năm 2017, số hộ có điện sử dụng là 404.742 hộ, đạt 99,8% tổng số hộ của Tỉnh, trong đó khu vực nông thôn có 325.695 hộ đã có điện sử dụng. Toàn Tỉnh có 153/166 xã đạt tiêu chí điện, chiếm 92,2% tổng số xã.

Triển khai thực hiện đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 – 2015 và định hướng đến năm 2020”, thời gian qua Sở Công Thương Long An phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã tham dự các hội nghị, hội thảo kết nối cung cầu hàng hóa tại các tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tiến tới ký hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp phân phối hiện đại. Đến cuối năm 2017, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm của tỉnh Long An đã ký kết được 101 hợp đồng cung ứng và liên kết tiêu thụ sản phẩm, gồm: Rau an toàn, rượu thanh long, chanh không hạt, chuối, bò úc, cây chùm ngây… Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài Tỉnh; tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, về các khu, CCN, các xã cùng sâu, vùng biên giới góp phần đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, đồng thời nâng cao ý thức tiêu dùng hàng Việt và phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân địa phương.

Toàn Tỉnh hiện có 40 nghìn cơ sở kinh doanh thương mại tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân; có 135 chợ, gồm 28 chợ thành thị và 107 chợ nông thôn. Đã có 146/166 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, đạt 88% trên tổng số xã của Tỉnh.

Với những kết quả đã đạt được trong 10 năm qua, trong những năm tiếp theo Ngành Công Thương Long An tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Đảng, chương trình hành động của Chính phủ, địa phương, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cơ sở CNNT, phát triển sản xuất, góp phần phục vụ nông nghiệp, dân, nông thôn ngày càng phát triển, như mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã đề ra.


CTV