Nghệ An hiện có gần 500 làng nghề, trong đó có 119 làng được UBND tỉnh công nhận, 285 làng có nghề do UBND các huyện công nhận. Hoạt động làng nghề khá phong phú, nhiều lĩnh vực. Nhiều làng, xã đã làm giàu nhờ phát triển kinh tế làng nghề, giải quyết việc làm ổn định tại chỗ cho trên 40.000 lao động với mức thu nhập từ 8 - 30 triệu đồng/năm, góp phần phát triển kinh tế địa phương, nâng cao đời sống nhân dân. Riêng nghề mây tre đan, có 40 làng nghề, tạo việc làm cho hơn 17.000 lao động, doanh thu đạt trên 70 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 3 triệu USD/năm.


Tuy nhiên, do quy hoạch của các làng nghề trong tỉnh vẫn mang tính tự phát, công nghệ lạc hậu, thủ công, thiết bị chắp vá, thiếu đồng bộ, ý thức bảo vệ môi trường không được quan tâm. Vì vậy, nảy sinh nhiều vấn đề môi trường nông thôn rất đáng lo ngại, tác động xấu tới chất lượng môi trường đất, nước, không khí ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống nhân dân ở các làng nghề như: Làng nghề thủy sản ở Diễn Ngọc (Diễn Châu); Phú Lợi, Tân An, Phương Cẩn (Quỳnh Lưu); Nghi Hải, Hải Giang (Cửa Hội); Nghi Thủy, Nghi Tân (Cửa Lò); làng nghề mộc và mỹ nghệ Nam Thắng, Phú Nghĩa, Phú Liên (Quỳnh Lưu); làng mộc khối Tây Hồ (thị trấn Nam Đàn); làng nghề bún ở Vân Diên (Nam Đàn)...


Mục tiêu phấn đấu của Nghệ An đến năm 2015 phát triển 318 làng nghề, trong đó 150 làng có nghề, bình quân mỗi xã đồng bằng ven biển có 2 - 3 làng nghề, mỗi xã vùng núi thấp có 1 làng nghề, mỗi huyện miền núi có từ 20 - 30 làng nghề. Trong đó, tỉnh chú trọng duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, du nhập các nghề mới; phát triển ngành nghề theo thế mạnh về lao động, tài nguyên trên từng địa bàn, với mục tiêu mỗi năm đưa giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp đạt 3.500 tỷ đồng, trong đó đóng góp từ làng nghề 2.500 tỷ đồng.


Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các trường, các cơ sở dạy nghề, đào tạo nghề cho lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp mỗi năm từ 9.000 đến 10.000 người, đảm bảo đến năm 2015 số lao động trong các làng nghề được đào tạo từ 60 - 80%, tạo việc làm thường xuyên ổn định cho từ 3,5 - 4 vạn lao động; đồng thời mỗi năm chuyển từ 1,6 - 1,8 vạn lao động từ sản xuất nông nghiệp sang làm nghề tiểu thủ công nghiệp.


Đặc biệt, nhằm từng bước khắc phục ô nhiễm môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe cho người dân, UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các ngành liên quan phân loại làng nghề theo tiêu chí rõ ràng, làng nghề nào gây ô nhiễm nghiêm trọng thì kiên quyết xóa bỏ, những làng nghề gây ô nhiễm ít phải có lộ trình khắc phục cụ thể. Các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nằm xen kẽ trong khu dân cư sẽ từng bước di dời vào các khu, cụm công nghiệp; bổ sung nguồn kinh phí, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật trong kiểm soát, xử lý môi trường, nhất là khuyến khích chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, ít gây ô nhiễm môi trường. Kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp về đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn để thu hút lao động tại địa phương. Ưu tiên phát triển các ngành nghề truyền thống, các ngành nghề khai thác tiềm năng về đất đai, lao động, sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ; khuyến khích đầu tư vào các ngành nghề kỹ thuật như sửa chữa cơ khí, xây dựng, may mặc, thủ công mỹ nghệ, tạo sự chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo bước chuyển biến mạnh về chất trong phát triển ngành nghề ở nông thôn. Gắn chặt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn với giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo ở vùng nông thôn.


Ngọc Chính