Với mong muốn bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, cùng những đam mê về nghề dệt thổ cẩm đã thôi thúc nhiều cá nhân dám nghĩ, dám làm để phục dựng nghề truyền thống. Cùng với sự hỗ trợ của nguồn kinh phí khuyến công, sau 5 năm gây dựng, làng nghề thổ cẩm truyền thống đầu tiên ở tỉnh Hòa Bình đã được công nhận. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của những cá nhân đã ngày đêm trăn trở với nghề.


Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Mường Vang thuộc xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình giàu bản sắc văn hoá dân tộc, chị Dương Thị Bin không lúc nào thôi trăn trở về việc khôi phục và lưu giữ lại nét đẹp văn hoá từ nghề dệt thổ cẩm truyền thống.


Qua nhiều thời kỳ phát triển, cùng với sự thay đổi của nền kinh tế đất nước nói chung và địa phương nói riêng làm cho nghề dệt thổ cẩm bị mai một và có phần trầm lắng đối với chị em phụ nữ. Ý thức được điều này, Chị Bin đã tích cực tìm hiểu nhu cầu thị trường về hàng thổ cẩm để sản xuất thành hàng hóa tiêu thụ trên nhiều địa bàn trong khu vực tỉnh Hòa Bình và các tỉnh lân cận. Công ty TNHH một thành viên Lục Nghiệp Thành được ra đời. Khi mới thành lập công ty cũng đối mặt với không ít khó khăn. Số chị em thành thạo nghề dệt không nhiều, sản phẩm làm ra của bà con tiêu thụ chậm nên chị em không mấy mặn mà với nghề dệt, hơn nữa thiếu vốn đầu tư khung dệt và nguyên vật liệu. Trước thực tế đó chị Bin đã kiên trì đến từng hộ gia đình vận động chị em và thành lập một tổ bao gồm những nghệ nhân giỏi để hướng dẫn, hỗ trợ các chị em khác về kỹ thuật. Không chỉ vậy chị dành nhiều thời gian để xin các nguồn hỗ trợ cho nghề truyền thống. Năm 2010, Công ty đã được Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Hòa Bình hỗ trợ mở các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Từ một nghề truyền thống có nguy cơ mai một, giờ đây sản phẩm dệt thổ cẩm ở xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn đã mang lại thu nhập khá ổn định cho người dân.


Chị Bùi Thị Lán là một trong những thành viên gắn bó với làng nghề ngay từ đầu. Theo chị Lán phong tục của người Mường xưa, một cô gái đi làm dâu phải mang theo đủ chăn màn cho những người trong gia đình chồng gồm: Ông bà nội ngoại, bố mẹ chồng, anh chị em chồng Thế nên trước đây nghề dệt chỉ diễn ra ở phạm vi gia đình, phục vụ cho gia đình là chính, chưa mang tính hàng hóa cao. Nhưng từ khi công ty Lục Nghiệp Thành do chị Bin làm chủ, chị Lán được tham gia các lớp dạy nghề do Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đào tạo. Vì vậy tay nghề của chị cũng như chị em trong làng nghề được nâng lên. Bên cạnh đó các sản phẩm dệt thổ cẩm do làng nghề làm ra tiêu thụ được giúp gia đình chị và nhiều chị em ở xóm Lục có thu nhập ổn định cuộc sống.


Nhờ có nguồn kinh phí từ khuyến công hỗ trợ mở các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho chị em, tiếp nhận chị em vào làm việc, chị Bin đã không ngừng tìm kiếm, mở rộng thị trường, nỗ lực tháo gỡ khó khăn, đến nay thổ cẩm mang tên Công ty TNHH Lục Nghiệp Thành đã có mặt tại nhiều huyện trong tỉnh như: Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy, Kim Bôi, Lạc Thủy, Kỳ Sơn và các huyện miền núi phía Bắc tỉnh Thanh Hóa. Tính đến nay, làng nghề truyền thống tại xóm Lục xã Yên Nghiệp có trên 500 khung dệt, tạo việc làm cho trên 500 lao động nữ với mức thu nhập bình quân đối với lao động có tay nghề tốt từ 2 triệu đến 3 triệu rưỡi /người/tháng, đối với lao động làm nghề theo thời vụ nông nhàn có thu nhập khoảng 1 triệu rưỡi /người/tháng. Đặc biệt tháng 12/2012, xóm Lục 2, xã Yên Nghiệp huyện Lạc Sơn đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống đầu tiên ở tỉnh Hòa Bình.


Dệt thổ cẩm là một trong những nghề truyền thống của đồng bào dân tộc nói chung và người Mường nói riêng. Nhưng trong những năm gần đây, bên cạnh sự đi lên của nền kinh tế, hàng hóa ngoại nhập ngập tràn trên thị trường với mẫu mã và giá cả phong phú đã ảnh hưởng không nhỏ đến cách ăn mặc hàng ngày của đồng bào, kéo theo đó là nguy cơ mai một nghề dệt thổ cẩm truyền thống của của dân tộc Mường. Do đó việc khôi khục nghề truyền thống của chị Dương Thị Bin ở huyện Lạc Sơn tỉnh Hòa Bình là điều không hề dễ. Nhưng với sự năng động, dám nghĩ, dám làm cùng với sự hỗ trợ không nhỏ từ các hoạt động khuyến công đã góp phần phát triển bền vững nghề dệt vải của đồng bào Mường.


Hùng Lê