Sau 02 năm triển khai thực hiện Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế quản lý cụm công nghiệp (QĐ105), bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện QĐ 105 đã bộc lộ một số khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện. Nguyên nhân do đâu?


Do thiếu vốn?

Quyết định 105/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành đã tạo khung pháp lý thống nhất về quy hoạch, thành lập, mở rộng, đầu tư và quản lý nhà nước đối với các CCN trên cả nước. Theo Cục Công nghiệp địa phương (CNĐP) - Bộ Công Thương cho biết, từ khi có QĐ 105, việc phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở địa phương được thực hiện tốt hơn so với trước đây; các địa phương tích cực di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, thuận tiện cho việc xử lý ô nhiễm môi trường; đặc biệt, đã góp phần thu hút được một số lượng lớn các dự án đầu tư vào cụm công nghiệp với trên 7.300 dự án, với tổng vốn đầu tư trên 112.000 tỷ đồng và tạo ra trên 460 nghìn việc làm cho người lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương, đặc biệt là vùng nông thôn.

Ông Nguyễn Văn Thịnh - Trưởng phòng Quản lý CCN (Cục CNĐP) cho biết, việc ra đời của QĐ 105 đã giải quyết được những tồn tại lâu nay trong quá trình phát triển CCN như vấn đề quy hoạch, trình tự thực hiện đến các khâu quản lý và hơn hết đó là việc quy định đầu mối quản lý nhà nước về CCN.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện QĐ 105/2009/QĐ-TTg ở các địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo báo cáo của Cục CNĐP, đến nay, cả nước có 878 CCN đã thành lập, tổng diện tích 32.481 ha; trong đó, 786 CCN hình thành trước khi Quy chế quản lý CCN có hiệu lực và 92 CCN thành lập mới. Trong số các CCN được thành lập, có 220 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư; 31 CCN do Trung tâm phát triển CCN làm chủ đầu tư, 477 CCN do UBND cấp huyện (Ban quản lý dự án của huyện) hoặc đơn vị sự nghiệp khác làm chủ đầu tư; còn lại 150 CCN chưa có chủ đầu tư hạ tầng. Điều này chứng tỏ, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các tỉnh Duyên hải miền Trung, Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Hầu hết các địa phương như Thái Bình, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Hải Phòng... đều cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay là thu hút nhà đầu tư xây dựng hạ tầng CCN.

Ngoài ra hiện, cả nước mới chỉ có 40 CCN có hệ thống xử lý nước thải chung, chiếm khoảng 6,5% so với các CCN đã đi vào hoạt động. Nhìn chung các địa phương chưa quan tâm chỉ đạo, đầu tư đúng mức hệ thống xử lý nước thải chung của các CCN, trong khi đó, theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì các CCN phải hoàn thành, đưa vào sử dụng công trình xử lý nước thải chung trước khi đi vào hoạt động. Đây là vấn đề rất khó khăn đối với các địa phương, khi kinh phí đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải chiếm khoảng 20 - 30 tỷ đồng, trong khi ngân sách địa phương chỉ hỗ trợ được từ 2 đến 3 tỷ.

 Từ những thực tế trên cho thấy, công tác triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng CCN tại các địa phương chậm và kém chất lượng và nguyên nhân chủ yếu vẫn là do nhu cầu vốn đầu tư lớn trong khi nguồn vốn ngân sách địa phương, vốn của chủ đầu tư hạ tầng hạn hẹp, bên cạnh đó, việc huy động vốn từ doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm không đáp ứng nhu cầu, thời gian hoàn vốn chậm.

Bất cập trong công tác quản lý

Theo Quy hoạch phát triển CCN ở các địa phương, đến năm 2020 cả nước dự kiến có 1.752 CCN với tổng diện tích khoảng 81.800 ha. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng (bao gồm cả Thanh Hóa và Nghệ An) có 553 CCN, chiếm 32% về số lượng CCN cả nước. Tính bình quân trên phạm vi cả nước, diện tích trung bình mỗi CCN là 46,7 ha. Hiện, cả nước có 615 CCN đi vào hoạt động để thu hút, di dời dự án đầu tư sản xuất vào CCN.

Hầu hết các địa phương đều cho rằng, mặc dù được phân công rõ đầu mối nhưng việc quản lý CCN còn nhiều bất cập, chồng chéo, thiếu tính phối hợp chặt chẽ, thiếu chế tài dẫn đến việc tuân thủ quy định không đầy đủ, đôi khi còn gây phiền hà cho các doanh nghiệp. Việc chuyển đổi mô hình chủ đầu tư cũng gặp rất nhiều khó khăn, nếu thành lập tràn lan trung tâm Phát triển CCN thì sẽ còn khó khăn hơn, do ngân sách địa phương quá hạn hẹp, thiếu biên chế và kinh phí hoạt động.

Bà Đào Thu Vịnh - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội chia sẻ, việc thành lập CCN từ trước khi có QĐ 105 chủ yếu do nhu cầu và tự phát. Sở Công Thương Hà Nội hiện đang gặp khó khăn về quản lý nhà nước trong lĩnh vực của ngành. Theo QĐ 105, Sở Công Thương địa phương đuợc làm đầu mối nhưng phần tham gia quản lý nhà nước so với các ngành khác thì rất yếu.

Ngoài ra, mặc dù việc ban hành Quy chế quản lý CCN của Chính phủ giúp cho UBND tỉnh có định hướng, chỉ đạo điều hành quản lý nhà nước về phát triển các CCN, song một số địa phương vẫn chưa ban hành quy chế phối hợp quản lý rõ ràng nên việc phát triển các CCN còn thiếu đồng bộ, không gắn với quá trình đô thị hoá.

Phát biểu tại Hội thảo đánh giá 2 năm thực hiện Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg, ông Ngô Quang Trung - Phó Cục trưởng Cục CNĐP khẳng định, QĐ 105/2009/QĐ-TTg tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý CCN phát triển, nhưng trong quá trình thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế như: chất lượng công tác qui hoạch, công tác đầu tư hạ tầng của nhà đầu tư còn thấp; tỷ lệ lấp đầy CCN thấp, bình quân toàn quốc đạt độ lấp đầy trên 49%; công tác quản lý nhà nước ở địa phương còn phân tán, vai trò của Sở Công Thương chưa rõ nét; cán bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực CCN còn mỏng, chất lượng hạn chế.Đã đến lúc cần phải có những chính sách quản lý nhà nước cũng như cơ chế thu hút hạ tầng CCN để có hướng đi đúng và hơn hết là thể hiện đúng vai trò quan trọng của CCN trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương Việt Nam.

 

Lê Hằng