Giai đoạn 2011 – 2015, giá trị sản xuất công nghiệp của Ninh Thuận (theo giá cố định 1994) năm 2011 thực hiện 1.701 tỷ đồng, dự kiến đến năm 2015 ước đạt 3.180 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 dự kiến là 17%/năm.

 

Những đóng góp của ngành công nghiệp

Những số liệu này dựa trên sự phát triển của một số ngành công nghiệp của Ninh Thuận như: Công nghiệp chế biến luôn chiếm tỷ trọng cao trong giá trị sản xuất công nghiệp (chiếm trên 80%), trong đó chế biến nhân điều, thủy hải sản là ngành chủ lực, chiếm tỷ trọng trên 60% giá trị ngành công nghiệp chế biến.


Công nghiệp năng lượng: Với việc đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, đến nay Ninh Thuận đã có 13 dự án phát triển sản xuất điện năng đăng ký đầu tư, gồm: 8 dự án đầu tư điện gió với tổng công suất 635 MW; 01 dự án nhà máy điện mặt trời với quy mô công suất khoảng 50 MW; 04 dự án thủy điện đang thực hiện công tác đầu tư và triển khai xây dựng (trong đó dự án thủy điện Hạ Sông Pha 1 đã hoàn thành đầu tư). Các dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 đang triển khai thực hiện khảo sát vị trí, lập dự án đầu tư theo quy định,... Ngoài ra, ngành điện đã thực hiện đầu tư 4 trạm biến áp 110/220kV đảm bảo khả năng truyền tải điện trên địa bàn tỉnh và cung cấp điện cho các dự án trọng điểm như nhà máy xi măng Luks Ninh Thuận, Khu công nghiệp Phước Nam, Cụm công nghiệp Thành Hải, Tháp Chàm, các làng nghề truyền thống,... cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ phát triển công nghiệp và mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

 

Phát triển khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN): Trên địa bàn tỉnh hiện có 03 KCN và 07 CCN, gồm: KCN Phước Nam đang thi công giai đoạn I, đạt khoảng 40% so với quy mô dự án, đã thu hút được 04 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký là 1.286,3 tỷ đồng; KCN Du Long, khởi công vào tháng 5/2008, đã thu hút được 01 dự án đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 820 tỷ đồng; KCN Cà Ná đang trong giai đoạn lập quy hoạch chi tiết; CCN Thành Hải đã lấp đầy 56% diện tích đất công nghiệp, hiện có 09 doanh nghiệp đăng ký đầu tư sản xuất công nghiệp và đang tiếp tục triển khai đầu tư hạ tầng phần mở rộng diện tích 44,7 ha để thu hút và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp; CCN Tháp Chàm đã đưa vào hoạt động và lấp đầy 70% diện tích đất công nghiệp, có 07 doanh nghiệp đăng ký đầu tư sản xuất; CCN Quảng Sơn đã phê duyệt quy hoạch chi tiết, tỷ lệ lấp đầy 27% diện tích đất công nghiệp; CCN Tri Hải đã phê duyệt quy hoạch chi tiết, tỷ lệ lấp đầy 16% diện tích đất công nghiệp; CCN Hiếu Thiện đã phê duyệt quy hoạch chi tiết, diện tích 97,3 ha, đã lấp đầy 12% diện tích đất công nghiệp, hiện đang kêu gọi nhà đầu tư hạ tầng; CCN Suối Đá đã phê duyệt quy hoạch chi tiết, diện tích 71 ha; CCN chế biến thủy sản tập trung đang lập quy hoạch chi tiết, diện tích 17 ha, hiện đang kêu gọi nhà đầu tư hạ tầng.


Thực hiện chương trình khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, giai đoạn 2011-2013, Ninh Thuận đã triển khai xây dựng 8 đề án khuyến công quốc gia với kinh phí hỗ trợ 2,4 tỷ đồng và 31 đề án khuyến công địa phương với kinh phí thực hiện 1,415 tỷ đồng. Các chương trình, đề án đã hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, cơ sở thực hiện ở một số lĩnh vực như: đào tạo nghề (dệt thổ cẩm, gốm, may công nghiệp,...); hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất (sản xuất mộc mỹ nghệ, sản xuất bánh mỳ); khảo sát học tập kinh nghiệm các mô hình làng nghề có hiệu quả ở các tỉnh (sản xuất gốm, đan lát, dệt chiếu);... nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã và phát triển thị trường tiêu thụ...

Sự phát triển một số lĩnh vực của ngành công nghiệp địa phương đã có tác động hỗ trợ đến phát triển ngành nông, lâm, thủy sản phục vụ cho công nghiệp chế biến phát triển góp phần tận dụng nguồn nguyên liệu của tỉnh, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn.


Nỗ lực phấn đấu

Xác định phát triển công nghiệp là một trong những mục tiêu hàng đầu đưa kinh tế tỉnh phát triển bền vững, trong giai đoạn tới ngành Công nghiệp Ninh Thuận đã đề ra các mục tiêu phấn đấu như: Giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định 1994) năm 2020 đạt khoảng 10.000 tỷ, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 25-26%/năm.

 

Để đạt được mục tiêu này, ngành Công Thương tỉnh Ninh Thuận đang nỗ lực phấn đấu thực hiện một số giải pháp trọng tâm, tạo sự bứt phá thúc đẩy phát triển công nghiệp như: Tiếp tục triển khai thực hiện quy hoạch phát triển ngành trên các lĩnh vực: công nghiệp, thương mại đến năm 2020; phối hợp các ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng để đến năm 2020 cơ bản hoàn thành đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư vào các KCN, CCN; đẩy mạnh hoạt động đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong ngành. Tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình khuyến công quốc gia và địa phương. Đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, đào tạo nguồn nhân lực lao động gắn với nhu cầu của doanh nghiệp; triển khai thực hiện các chương trình áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tăng cường đẩy mạnh hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp ở nông thôn;...


Nguyễn Hương