Phấn đấu đến năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) đạt 900 tỷ đồng, là một trong những mục tiêu của Chương trình khuyến công (KC) tỉnh Ninh Thuận đến năm 2012 vừa được UBND tỉnh phê duyệt.


Ngoài mục tiêu như: Động viên, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất CNNT theo quy hoạch phát triển CN của tỉnh; Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội; Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư phát triển CNNT một cách bền vững. Sở Công Thương Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) đạt 900 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2009 - 2012 đạt 34 - 35%, chiếm tỷ trọng 28 - 30% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.
Để đạt mục tiêu trên, chương trình đã đề ra các nội dung cụ thể như:
Chương trình đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề: Bên cạnh việc đào tạo lao động cơ bản cho các làng nghề, ngành nghề truyền thống và nghề mới, chương trình sẽ dành một phần kinh phí là 378 triệu đồng để đào tạo thợ giỏi và nghệ nhân. Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận cho biết, thông qua chương trình này sẽ hình thành đội ngũ giảng viên phục vụ chương trình đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề ở nông thôn. Dự kiến, đến năm 2012 sẽ triển khai thực hiện 10 lớp đào tạo nâng cao tay nghề, đào tạo thợ giỏi, nghệ nhân cho khoảng 300 học viên trong các ngành nghề sản xuất gốm mỹ nghệ, dệt thổ cẩm, thêu ren, tranh thêu nghệ thuật, kỹ thuật dệt các hoa văn cổ, hoa văn truyền thống…
Chương trình nâng cao năng lực quản lý cho doanh nghiệp (DN): Năm 2010 dự kiến sẽ tổ chức 3 lớp đào tạo kiến thức quản trị DN cho khoảng 150 học viên. Phấn đấu đến năm 2012 sẽ tổ chức 11 lớp đào tạo, tập huấn về khởi sự DN, quản trị DN, nâng cao năng lực quản lý DN cho khoảng 550 học viên các DN CNNT với tổng kinh phí khoảng 240 triệu đồng. Ngoài ra, trong chương trình này sẽ diễn ra các hoạt động khác như: Tổ chức hội thảo về mô hình liên kết, hợp tác sản xuất kinh doanh; Tổ chức khảo sát, học tập kinh nghiệm sản xuất kinh doanh; Tư vấn, hỗ trợ DN thành lập mới.
Chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học công nghệ: Trong đó chú trọng việc hỗ trợ chuyển giao ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại, tiên tiến vào một số khâu, công đoạn của quá trình sản xuất sản phẩn công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), xử lý ô nhiễm môi trường. Đây là chương trình được đánh giá là khá lớn, với tổng kinh phí khoảng 1.190 triệu đồng (từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia) cho việc hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị xử lý nguyên liệu làm gạch, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, chuyển giao công nghệ cho 17 DN, cơ sở sản xuất CN-TTCN; và khoảng 3.800 triệu đồng để hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường cho 19 DN, cơ sở sản xuất CN-TTCN.
Chương trình phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu: Bao gồm chương trình xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm CNNT; Tổ chức bình chọn và cấp giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp; Hỗ trợ các cơ sở tham dự các hội chợ, triển lãm hàng CNNT tiêu biểu. Hỗ trợ xây dựng, đăng ký thương hiệu và các hoạt động xúc tiến thương mại.
Chương trình phát triển hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin: Với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 120 triệu đồng/năm để hỗ trợ hoạt động tư vấn KC; 100 triệu đồng/năm (từ nguồn kinh phí KC quốc gia) hỗ trợ thành lập điểm tư vấn KC; 80 triệu đồng để xây dựng mạng lưới cộng tác viên KC; 720 triệu đồng (từ nguồn kinh phí KC địa phương) để xây dựng các chương trình truyền hình, truyền thanh, ấn phẩm KC, trang web và các hình thức thông tin đại chúng khác
Chương trình hỗ trợ liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế và phát triển các cụm, điểm công nghiệp: Theo đó, sẽ dành kinh phí khoảng 150 triệu đồng để hỗ trợ thành lập hiệp hội, hội ngành nghề. Dự kiến đến năm 2012 sẽ thành lập 01 hiệp hội ngành nghề thủ công mỹ nghệ nhằm liên kết, hợp tác hỗ trợ về kinh tế - kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh, nâng giá trị và văn hóa sản phẩm làng nghề.
Chương trình nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện: Đến năm 2010, chương trình sẽ tiếp tục hỗ trợ đầu tư trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật cho Trung tâm KC và Xúc tiến thương mại, với tổng kinh phí khoảng 600 triệu đồng. Dự kiến trong 2 năm 2010 và 2011 sẽ tổ chức 2 lớp đào tạo bồi dưỡng và nâng cao năng lực cho 100 cán bộ KC.
Hy vọng với kế hoạch và nội dung hoạt động cụ thể như vậy, tỉnh Ninh Thuận sẽ sớm hoàn thành được mục tiêu chương trình khuyến công đến năm 2012./.
 

CTV.Đinh Lan