Thời kỳ đồ đá đã lùi xa vào quá khứ nhường chỗ cho thời kỳ đồ điện tử, thế nhưng ngày nay trong mỗi gia đình người dân đất Việt vẫn còn không ít những vật dụng bằng đá tồn tại song hành cùng thời gian.


Từ cái cối xay bột, hòn đá mài dao, cối giã cua, đến cái máng lợn ăn… vẫn được người dân quen dùng bao đời nay nhưng ít ai biết đến nơi sản sinh ra chúng là một làng quê thanh bình nép mình bên dãy núi Thét, thuộc xã Hải Lựu, huyện Sông Lô.


Duyên với nghề


Hải Lựu là một xã miền núi nằm ở phía Tây Bắc huyện Sông Lô với một bên là dòng sông Lô êm đềm, bên kia là núi Thét sừng sững với bạt ngàn đá nổi vân màu ngũ sắc, trong đó nhiều nhất là đá xanh, đá vàng, dùng làm nguyên liệu để người dân nơi đây hình thành và phát triển làng nghề trạm khắc đá.
Ngoài công việc đồng áng thuần túy, bao đời nay người dân xã Hải Lựu đa phần lấy nghề đục đẽo đá làm nghề phụ trong lúc nông nhàn sau hai vụ chiêm - mùa hàng năm. Vì thế, tất cả 19 thôn trong xã đều làm nghề đá, phân bố rải rác, nhưng hiện nay tập trung chủ yếu ở 7 thôn: Dừa Cả, Dừa Lẽ, Đồng Chăm, Làng Len, Gò Dài, Lũng Lợn và Đồng Trổ, với khoảng 400 đến 500 lao động thường xuyên chuyên làm về nghề đá. Khi được hỏi về nguồn gốc của nghề trạm khắc đá, bác Đỗ Duy Hạnh - cán bộ văn hóa xã đồng thời cũng là một người thợ trạm khắc đá, cho biết: “Theo các cụ cao niên trong xã kể lại thì nghề đá Hải Lựu có cách đây khoảng trên 200 năm và không ai rõ cụ tổ của nghề đá Hải Lựu là ai, chỉ biết rằng nghề đá nơi đây được lưu giữ, phát triển từ sự hướng dẫn “cha truyền con nối” và tự học là chính”. Thế hệ này đi thì thế hệ kia tiếp nối, hầu hết trẻ em trong làng chỉ khoảng 15 tuổi là đã biết ngắm nghía, đục đẽo để làm ra những sản phẩm gia dụng đơn giản. Không những vậy, người dân nơi đây còn tự hào: Nào là Tam Đảo, Tây Thiên, Thiền Viện, nào là bậc thang đá ở Đền Hùng, đền Hai Bà Trưng, những ngôi chùa cổ kính cho tới đá lát Hồ Đại Lải, đá lát UBND tỉnh đều có sự góp mặt của đá Hải Lựu cùng với bàn tay và khối óc của người thợ trạm khắc đá Hải Lựu giữ nền cho những di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh nhà.


“Có sức người, sỏi đá cũng thành cơm”


Lúc đầu, do mưu cầu cuộc sống, người dân chỉ lấy đá cùng với những công cụ thô sơ như tấc sắt, cái búa, cái đục, cái vồ gỗ lim… đục đẽo thành những vật dụng như cối giã, cối xay, hòn đá mài dao, máng lợn… để phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của gia đình và nhân dân trong xã. Dần dần, từ nhu cầu cuộc sống, họ đã mang những sản phẩm của mình theo dọc dòng sông Lô và trên mọi nẻo đường xuôi ngược đến với người dân khắp các vùng. Nhiều như núi đá, nhưng không ai lãng phí đá, dù là hòn đá to hay viên đá nhỏ, người thợ tạc đá đều phải ngắm nghía công phu, chọn lựa từng thớ đá rồi gia công, chế tác, đục đẽo, gọt dũa tỉ mỉ những tảng đá gồ ghề trở thành những sản phẩm “muôn hình vạn trạng”. Cũng từ đó, sản phẩm ở làng đá không chỉ có đá xây dựng ốp lát, xây tường, móng kè… và những vật dụng đơn giản mà còn có đá mỹ nghệ với những sản phẩm tinh xảo như: voi đá, ngựa đá, tòa sen, tượng phật, chân cột đình, bia văn tự, đỉnh lư hương, tháp nhang sân chùa, nhịp cầu bằng đá… Hiện nay, ngoài thị trường tiêu thụ trong nước, sản phẩm đá mỹ nghệ còn được xuất khẩu sang một số nước như: Malaysia, Indonesia, Úc, Đài Loan (Trung Quốc)… và được nhân dân các nước ưa chuộng, tin dùng.


Cùng với sự phát triển của làng nghề trạm khắc đá, được sự quan tâm và khuyến khích của UBND tỉnh, từ năm 1998 đến nay, làng nghề Hải Lựu đã mở ba lớp dạy điêu khắc đá và coi nghề đá như một nghề trọng điểm của nơi đây. Hiện tại, trên địa bàn xã có 5 doanh nghiệp chuyên kinh doanh, sản xuất đá. Hầu hết các công ty đều tuyển lao động có tay nghề tại địa phương. Xuất phát từ truyền thống của làng, cùng với lòng yêu nghề, tính cần cù kết hợp với bàn tay khéo léo của người thợ tạc đá Hải Lựu mà đến nay, 5 xưởng đá đều có việc làm quanh năm, khách hàng trong và ngoài nước đều đã biết tiếng tìm đến đặt hàng.


Nghề đá phát triển, thu nhập bình quân của người dân làm nghề tạc đá ngày càng ổn định và khấm khá hơn. Nghệ nhân Hán Văn Hoàn - người thợ tạc đá đã gần 20 năm nay cho biết: lao động giản đơn, thu nhập với mức 4 - 5 triệu đồng/tháng, lao động chế tác đá mỹ nghệ ở mức 6 - 7 triệu đồng/tháng, còn lao động có tay nghề cao được tôn làm nghệ nhân có “bàn tay vàng” thì thu nhập bình quân khoảng trên 10 triệu đồng/tháng. Cũng từ đây, bộ mặt làng quê Hải Lựu đang ngày càng đổi khác, những ngôi nhà khang trang, hiện đại ngày càng nhiều lên thay thế những nếp nhà tranh vách đất; những con đường gồ ghề sỏi đá nay được thay mới bằng những con đường bê tông về tận xóm thôn, đời sống của người dân nơi này được ấm no, từng ngày “thay da đổi thịt”.
Ước mong người làm đá.

 

Hiện tại là vậy, song vấn đề trăn trở của chính quyền địa phương, của UBND tỉnh cũng như của chính những người thợ tạc đá đặt ra đó là vấn đề sức khỏe cho người lao động. Họ thường xuyên phải tiếp xúc, đối mặt với bụi đá là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh lao phổi làm giảm tuổi thọ của người dân làm đá. Điều kiện lao động còn thiếu thốn, hiện tại họ chỉ có một bảo hộ duy nhất cho mình là chiếc khẩu trang. Bên cạnh đó, sự sống còn của làng nghề là vấn đề nan giải bởi lẽ nguồn vốn đầu tư và thị trường tiêu thụ vẫn là những khó khăn rất lớn đối với người dân làng nghề. Hơn nữa, người dân chủ yếu làm nghề rải rác trong lúc nông nhàn, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, không có tính tập trung, điều đó đã làm hạn chế tính chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa, cũng như không thể khai thác hết được tiềm năng về nguyên liệu đá ở nơi đây.


Xuất phát từ những khó khăn đó, người dân làng nghề mong muốn nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền, tạo điều kiện quy hoạch để họ sản xuất, làm nghề mang tính tập trung, áp dụng những công nghệ máy móc hiện đại nhằm mang lại hiệu quả cao. Song song với đó là việc tăng cường mở thêm các lớp học, bồi dưỡng đào tạo điêu khắc đá tạo cơ hội cho người dân nâng cao tay nghề, làm ra nhiều sản phẩm với mẫu mã phong phú, đa dạng đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong và ngoài nước.


Ngày nay, chúng ta đang tiến tới xây dựng nền công nghiệp hóa - hiện đại hóa với công nghệ hiện đại ngày càng thịnh hành song vẫn không thể thay thế chất liệu đồ dùng bằng đá. “Nồi đồng cối đá” vẫn luôn là đồ dùng được ưa chuộng trong mỗi gia đình ở các vùng nông thôn. Vì thế, những người thợ tạc đá với con mắt và khối óc tinh xảo, với sức vươn của lòng yêu nghề, với “bàn tay vàng” vẫn ngày ngày cần cù đục đẽo để mỗi năm tạo ra hàng vạn đồ đá cho nhân dân khắp vùng. Cùng với sự định hướng, quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền, người dân làng nghề đục đá Hải Lựu sẽ phát huy hết những tiềm năng thế mạnh, từng bước ổn định và nâng cao đời sống của mình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, và hơn thế, họ chính là những nghệ nhân giữ nghề truyền thống mang đậm nét bản sắc dân tộc để truyền lại cho thế hệ sau./.

 

nguồn:vinhphucit.gov.vn