Qua hơn 2 năm triển khai phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) và làng nghề theo chủ trương của huyện, năm 2012, huyện Phù Cát (Bình Định) có 3.257 cơ sở sản xuất CN-TTCN đang hoạt động, tăng 311 cơ sở so với năm 2010. Giá trị sản xuất CN-TTCN tăng bình quân 18,5%/năm, đạt 84,5% so với kế hoạch; tỷ trọng CN-TTCN và dịch vụ đạt 64,8%, tăng 6,8% so với năm 2010, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 10.000 lao động, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng công nghiệp hóa.

 

Một số cụm công nghiệp mới đã được hình thành và tiếp tục được quy hoạch; ngành hàng phát triển ngày càng đa dạng, trong đó có những mặt hàng chủ lực như: Chế biến gỗ và may mặc xuất khẩu. Các làng nghề truyền thống tiếp tục duy trì và phát triển. Từ nguồn vốn cấp trên hỗ trợ cùng với ngân sách xã, một số công trình hạ tầng làng nghề đã được đầu tư phục vụ sản xuất với tổng kinh phí trên 2,7 tỷ đồng. Huyện cũng tạo điều kiện cho các hộ sản xuất tiếp cận vay các nguồn vốn ưu đãi về lãi suất để mở rộng sản xuất, cải tiến mẫu mã, hỗ trợ kinh phí và hướng dẫn tham gia các Hội chợ thương mại trong tỉnh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giới thiệu và quảng bá sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường, từng bước xây dựng đăng ký nhãn hiệu các sản phẩm làng nghề.

 

Tuy nhiên, giá trị sản xuất CN-TTCN trong huyện vẫn tăng trưởng thấp và chưa ổn định. Công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp vẫn còn chậm so với nhu cầu; công tác xúc tiền đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp hiệu quả chưa cao. Hoạt động của một số ngành, mặt hàng của doanh nghiệp chưa ổn định, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người lao động và phát triển bền vững của các khu, cụm công nghiệp. Môi trường tại các cụm công nghiệp vẫn còn bị ô nhiễm.

 

Với mục tiêu phát triển bền vững, thời gian tới, huyện Phù Cát tập trung phát triển công nghiệp, các cụm công nghiệp trên địa bàn trong theo hướng cơ bản, vững chắc, không làm ồ ạt. Căn cứ vào điều kiện tự nhiên, đất đai, lợi thế của từng vùng mà quy hoạch cụ thể, đảm bảo các khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động có hiệu quả. Tránh trường hợp các địa phương “thi đua” mở dự án các cụm công nghiệp, để trở thành dự án treo; gây mất lòng tin của nhân dân. Huyện tiếp tục tạo điều kiện cho các dự án đang triển khai đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa vào hoạt động sản xuất. Trước mắt là các nhà máy chế biến titan ở Khu CN Hòa Hội- xã Cát Hanh.

 

Để làm được điều đó, huyện Phù Cát tập trung huy động các nguồn lực, triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; công khai minh bạch giá thuê đất, hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ứng trước để giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng trừ vào tiền thuê đất.Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Khuyến công tỉnh đẩy mạnh hoạt động khuyến công, khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống của địa phương; khuyến khích các hộ gia đình, tư nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư phát triển các ngành nghề TTCN đa dạng, đáp ứng nhu cầu tại chỗ và xuất khẩu; tạo điều kiện cơ sở công nghiệp, làng nghề duy trì và phát triển sản xuất, gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội.

 

Khánh Chi