Chương trình dự kiến sẽ phát triển công nghiệp nông thôn với tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng công nghiệp trung bình hàng năm của tỉnh; hàng năm giải quyết việc làm cho 1.500 – 2.000 lao động ở khu vực nông thôn; giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ hàng năm tăng 25 – 30%. Để đạt mục tiêu trên, chương trình đã đề ra các nội dung cụ thể như sau:
Chương trình đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề: với tổng kinh phí 8.580 triệu đồng, Thừa Thiên Huế sẽ hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn (dưới 1 năm) gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn. Hàng năm hỗ trợ cho các cơ sở tổ chức tự đào tạo hoặc đào tạo qua các trường nghề cho khoảng 1.000 – 1.200 lao động. Tổ chức truyền nghề cho khoảng 200 – 300 lao động. Hỗ trợ du nhập và phát triển nghề mới và tạo việc làm cho 300 – 500 lao động
Chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học công nghệ: Với tổng kinh phí 6.300 triệu đồng, chương trình sẽ hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn tiểu thủ công nghiệp, sửa chữa, sản xuất máy cơ khí, nông cụ... Hỗ trợ xây dựng các mô hình chế biến nguyên liệu, nhất là mô hình quy mô nhỏ tại các vùng nguyên liệu phân tán; Hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường.
Chương trình nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở công nghiệp nông thôn bao gồm: đào tạo, tập huấn về khởi sự, quản trị doanh nghiệp; tổ chức hội thảo, giới thiệu kinh nghiệm quản lý sản xuất kinh doanh; Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham quan, khảo sát, học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất kinh doanh điển hình trong nước; Tư vấn, hỗ trợ lập dự án, kế hoạch sản xuất thành lập doanh nghiệp. Tổng kinh phí dành cho nội dung này là 690 triệu đồng.
Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu: Bao gồm chương trình điều tra, lập đề án phát triển ngành nghề truyền thống, khôi phục và phát triển làng nghề… Hỗ trợ các cơ sở có sản phẩm tiêu biểu mở rộng sản xuất và thị trường, cải tiến công nghệ; Hỗ trợ các cơ sở tham dự các hội chợ, triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Hỗ trợ xây dựng, đăng ký thương hiệu và các hoạt động xúc tiến thương mại. Tổ chức hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm vào các kỳ Festival Huế nhằm kích thích việc đầu tư cải tiến mẫu mã, phát triển sản phẩm mới. Khảo sát đánh giá công nhận làng nghề truyền thống, làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Tổng kinh phí cho chương trình này là 1.960 triệu đồng.
Chương trình phát triển hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin: Hỗ trợ hoạt động tư vấn khuyến công; Hình thành và phát triển các điểm tư vấn, xây dựng mạng lưới cộng tác viên; xây dựng các chương trình truyền hình, trang chuyên đề khuyến công, trang website Sở Coogn Thương và các hình thức thông tin đại chúng khác. Tổng kinh phí thực hiện chương trình này là 700 triệu đồng
Chương trình hỗ trợ liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế và phát triển các cụm, điểm công nghiệp: Với tổng kinh phí 23.850 triệu đồng, chương trình sẽ hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn thành lập các hiệp hội, hội ngành nghề, liên kết vệ tinh sản xuất các mặt hàng; thành lập mô hình liên kết ở các làng nghề truyền thống; hỗ trợ lập quy hoạch cụm công nghiệp – TTCN và làng nghề ở những địa bàn khó khăn.
Chương trình nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện. Với tổng kinh phí 600 triệu đồng, chương trình này bao gồm các nội dung: nghiên cứu trình các cơ quan thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản. Kiện toàn tổ chức Trung tâm khuyến công về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, xây dựng mạng lưới khuyến công viên cơ sở; Lồng ghép chương trình khuyến công với các chương trình khác; Đào tạo cán bộ khuyến công…
Ngọc Chính