Theo quy định, kể từ ngày 1/1/2014 tất cả các sản phẩm rượu phải dán tem. Sáng ngày 30/5/2013, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị phổ biến pháp luật trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh rượu.


Phát biểu chủ trì Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh: “Rượu là một mặt hàng hạn chế kinh doanh, sau quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 40/2008/NĐ-CP, đã bộc lộ nhiều bất cập cần khắc phụ, vì thế Bộ Công Thương đã chủ động tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2012/NĐ-CP nhằm khắc phục những bất cập trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu, đồng thời xây dựng thông tư hướng dẫn, tổ chức phổ biến cho cán bộ liên quan và doanh nghiệp biết để sớm đưa chính sách vào cuộc sống một cách hiệu quả”.

Một số điểm mới chủ yếu

Theo ông Ngô Đức Minh, Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương, Nghị định số 94/2012/NĐ-CP đã quy định rõ ràng hơn về sản xuất có hai loại bao gồm đầu tư sản xuất rượu công nghiệp, thứ hai là gia công bán lại. Đối tượng sản xuất tự tiêu dùng không quy định tại Nghị định này.

Dự án có công suất từ 3 triệu lít trở lên sẽ do Bộ Công Thương cấp, dưới 3 triệu lít sẽ do Sở Công Thương cấp, và sản xuất rượu thủ công, gia công sẽ do cấp phường, xã thực hiện. Thời gian cấp phép cũng sẽ giảm từ 30 xuống 20 ngày.

Trong kinh doanh rượu đã phân định hệ thống phân phối rượu gồm 3 cấp; cấp phép theo số dân trên địa bàn; bổ sung một số giấy tờ đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm nhập khẩu (giấy chỉ định, ủy quyền).

Thứ trưởng Bộ Công Thương - Hồ Thị Kim Thoa phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Sản phẩm rượu trước khi đưa ra thị trường thì phải đảm bảo đủ 3 điều kiện: chất lượng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; sản phẩm có nhãn mác và phải có tem theo quy định.

Bên cạnh đó các quy định liên quan đến các lĩnh vực như quảng cáo, xuất nhập khẩu, du lịch, an toàn giao thông... sẽ được thực hiện theo các văn bản liên quan đến lĩnh vực đó để tránh chồng chéo.

Thời gian thực hiện dán tem quá ngắn

Theo quy định, kể từ ngày 1/1/2014 tất cả các sản phẩm rượu phải dán tem, tuy nhiên doanh nghiệp quan tâm nhất là thời gian từ nay cho đến thời điểm trên còn rất ngắn, đặc biệt khi đó sắp vào vụ mùa kinh doanh Tết, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn.

Ông Lê Văn Được, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát, nhận định: Đây sẽ là vấn đề khó khi thực hiện vì sẽ phải áp dụng loại tem có chất liệu gì để tránh làm giả, kích cỡ ra sao để phù hợp với dây chuyền dán tem tự động, hoặc dán thủ công, v.v...

Việc cấp phép phân phối liên quan đến nhập khẩu và bán lẻ cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Bà Trần Giang Thủy - Phó giám đốc công ty TNHH Trivinsa- cho biết, đơn vị đã có giấy phép sản xuất nhưng khi nhập khẩu rượu vang trong thùng lớn để sang chiết, đóng gói, dán nhãn tại Việt Nam thì cơ quan Hải quan lại yêu cầu doanh nghiệp xin giấy phép phân phối.

Hay những hộ kinh doanh bán lẻ rượu tại Bình Xuyên - Vĩnh Phúc cho biết, khi lực lượng thị trường đến kiểm tra yêu cầu phải có giấy phép kinh doanh bán lẻ rượu, người dân lên phòng tài chính huyện để xin cấp ngành nghề không được, lý do vì đây là ngành nghề hạn chế kinh doanh. Nếu không đăng ký được ngành nghề thì phòng Công Thương huyện không thể cấp giấy phép được.

Tại Hội nghị nhiều đại biểu cũng nêu ra nhiều câu hỏi liên quan đến hợp quy chất lượng trong khi đó nhiều loại rượu truyền thống tại Việt Nam chưa có tiêu chí đánh giá chất lượng. Những vấn đề về cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất thủ công thì quản lý như thế nào, v.v...

Theo số liệu của các cơ quan chức năng, đến 2012, cả nước đã cấp 126 giấy phép sản xuất rượu công nghiệp và khoảng 400 giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh. Tổng sản lượng rượu công nghiệp đạt 127,4 triệu lít, 28 triệu lít cồn rượu và 250 triệu lít rượu thủ công.

 

Nguồn: congthuongonline