Triển khai rộng khắp
Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngành Công Thương Phú Thọ đã tập trung triển khai công tác đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề và phát triển nghề cho lao động ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và một số lao động sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất do quá trình phát triển các khu, cụm công nghiệp. Với các nghề như: May công nghiệp tại thị xã Phú Thọ và huyện Thanh Ba; thêu ren xuất khẩu tại huyện Tam Nông, thị xã Phú Thọ; chế biến hàng lâm sản tại huyện Thanh Sơn, Lâm Thao, Tam Nông và Cẩm Khê; sản xuất gạch ceramic tại thị xã Phú Thọ; mây tre đan xuất khẩu tại huyện Phù Ninh, Tam Nông; sản xuất giấy và đũa tre xuất khẩu tại huyện Lâm Thao, Đoan Hùng và thành phố Việt Trì; chế biến chè xuất khẩu tại huyện Yên Lập, Hạ Hòa, Thanh Ba, Thanh Sơn… Sau đào tạo nghề, lao động được các cơ sở CNNT bố trí việc làm với mức thu nhập bình quân đạt từ 1 triệu đến 1,2 triệu đồng/người/tháng.
Trong giai đoạn 2008-2012, Khuyến công Phú Thọ tổ chức đào tạo khởi sự doanh nghiệp cho 1.600 lượt đối tượng thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản trị doanh nghiệp cho 1.040 lượt người là các chủ các doanh nghiệp, cơ sở CNNT, chủ nhiệm các hợp tác xã... Bên cạnh đó, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nâng cao năng lực quản lý, huấn luyện về an toàn vật liệu nổ công nghiệp, nghiệp vụ quản lý, an toàn công nghiệp, an toàn điện nông thôn và an toàn trong sản xuất, vận chuyển hóa chất, bồi dưỡng kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế… cho gần 1.300 lượt đối tượng thuộc mọi thành phần kinh tế. Ngoài ra, tổ chức được 8 đoàn tham quan, khảo sát, trao đổi kinh nghiệm về công tác khuyến công cũng như phát triển sản xuất ngành nghề nông thôn tại tỉnh bạn.
Hoạt động hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ đầu tư mới, đầu tư mở rộng sản xuất và áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất sản phẩm đã được quan tâm chú trọng. Trong thời gian qua đã hỗ trợ xây dựng 22 mô hình trình diễn kỹ thuật và 42 cơ sở CNNT sản xuất sản phẩm mới, áp dụng công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực chế biến nông, lâm sản, hàng xuất khẩu, hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ phát triển du lịch, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến khoáng sản và sản phẩm cơ khí phục vụ CNNT,… với tổng kinh phí hỗ trợ là 5.495 triệu đồng. Ngoài ra đã tổ chức thành công 02 hội chợ triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ và sản phẩm làng nghề truyền thống tại Khu du tích lịch sử Đền Hùng vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương; hỗ trợ 04 lượt sản phẩm CNNT của tỉnh Phú Thọ tham gia các hội chợ triển lãm khu vực và tỉnh bạn.
Hoạt động khuyến công thời gian qua còn hỗ trợ lập 4 đề án quy hoạch chi tiết cụm CN- TTCN và làng nghề cho các huyện Thanh Sơn, Hạ Hòa, Thanh Thủy và Cẩm Khê với tổng kinh phí hỗ trợ là 1.176 triệu đồng, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia.
Tạo bước đột phá
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì do nguồn kinh phí dành cho các hoạt động khuyến công còn ít; chưa huy động được nhiều các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân; công tác hỗ trợ doanh nghiệp, ngành nghề nông thôn cũng còn hạn chế; chậm quy hoạch chi tiết xây dựng hạ tầng cụm CN –TTCN để đáp ứng mặt bằng mở rộng sản xuất; nguồn lực cho thực hiện chính sách khuyến khích phát triển TTCN quá nhỏ, chưa đủ lực tác động rộng đến các xã, làng nghề;... nên việc triển khai các chương trình khuyến công hiệu quả chưa như mong muốn.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển đẩy mạnh sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nói chung và công nghiệp nông thôn nói riêng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn... thì khi xây dựng các chương trình khuyến công cần chủ động, bố trí lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, các nguồn kinh phí như: Chương trình phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình phát triển kinh tế - xã hội có liên quan,… Đồng thời, các ban ngành, địa phương phải tạo sự thông thoáng, cởi mở trong vận dụng cơ chế, chính sách nhằm thu hút các cơ sở, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển CNNT; tích cực đóng góp kinh phí, nguồn lực góp phần xã hội hoá hoạt động khuyến công… Mở rộng đầu tư sản xuất CNNT và nhất là ở những vùng núi khó khăn, sản phẩm xuất khẩu từ nông lâm sản, nâng cao giá trị sản phẩm của nông dân. Đặc biệt, tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công và sự phối hợp hoạt động giữa cơ quan quản lý nhà nước với các đơn vị, tổ chức liên quan để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án khuyến công. Các hoạt động sẽ góp phần tạo bước đột phá trong xây dựng nông thôn mới của Phú Thọ thời gian tới.
Lê Hằng