Đánh giá 9 tháng đầu năm 2011, tỉnh Quảng Bình nhận thấy còn rất nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp dự ước 9 tháng đầu năm tăng hơn so với cùng kỳ (8,2%) nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra (20-21%).


Trong đó nhiều doanh nghiệp đầu đàn của địa phương hoạt động sản xuất kinh doanh bị giảm sút nghiêm trọng.  Như Công ty liên doanh Bia Hà Nội- Quảng Bình, 9 tháng đầu năm 2011, sản lượng bia tiêu thụ sụt giảm, chỉ được 12,2 triệu lít, đạt 80% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu cũng chỉ đạt 97 tỷ đồng, bằng 77% so với năm 2010 và nộp ngân sách nhà nước chỉ được 35 tỷ đồng, bằng 61% so với kế hoạch năm. Thời gian còn lại của 3 tháng cuối năm, Công ty Bia Hà Nội - Quảng Bình cho rằng, dù rất nỗ lực nhưng khả năng kết thúc năm 2011 này sản phẩm bia của công ty chỉ tiêu thụ được chừng 17,6 triệu lít, tổng doanh thu đạt khoảng 140 tỷ đồng, nộp thuế 57 tỷ đồng, thua xa cả năm 2010. Trong lúc Công ty Cổ phần Bia Hà Nội – Quảng Bình đặt ra kế hoạch năm 2011 tiêu thụ đạt 21 triệu lít, tổng doanh thu đạt 164,5 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 70 tỷ đồng; thu lợi nhuận 9,87 tỷ đồng; bảo đảm thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng... Kế hoạch phát triển của công ty trong giai đoạn 2011-2015 là nâng công suất lên 50 triệu lít/năm, phấn đấu nộp thuế năm sau cao hơn năm trước có nguy cơ bị phá sản

Hay Nhà máy Xi măng Áng Sơn 1, Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Cosevco 6 mới đưa vào hoạt động đầu năm nay đang gặp rất nhiều khó khăn, chưa bàn giao phần XDCB, chưa chuyển giao công nghệ, chuyên gia nước ngoài rút về nước, thiếu vốn phục vụ sản xuất, chất lượng sản phẩm chưa ổn định... Thậm chí khoản tiền vay của ngân sách tỉnh 7,7 tỷ đồng đến nay đã quá hạn vẫn chưa thể trả được

Tương tự, Nhà máy Xi măng Áng Sơn 2 do Công ty TNHH cơ khí Đúc Thắng Lợi làm chủ đầu tư dù rất quyết tâm, được các cấp, các ngành hỗ trợ tích cực nhưng tiến độ triển khai vẫn rất chậm so với kế hoạch, đang gặp nhiều vướng mắc chưa thể đi vào sản xuất được.

Có lẽ thắng lợi nhất là Công ty Cổ phần Tổng Công ty Sông Gianh, 9 tháng năm 2011 đạt 170 tỷ đồng. Sản lượng phân bón dự kiến năm 2011 đạt 85.000 tấn. Đặc biệt, công tác tìm kiếm thị trường nước ngoài, bước đầu công ty đã xuất được qua Lào và Campuchia với 5.000 tấn phân bón. 500 cán bộ, công nhân, thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Phát huy hiệu quả Công ty dự kiến trong năm 2012, sẽ đầu tư thêm Nhà máy sản xuất phân bón NPK tại Quảng Bình với công suất 100.000 tấn/năm và Nhà máy phân bón hữu cơ vi sinh tại Bình Dương, công suất 40.000 tấn/năm...

Để giúp các DN vượt qua khó khăn, vừa qua, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã tổ chức các đoàn liên ngành trực tiếp đến thăm và làm việc với những DN trọng điểm cùng bàn bạc tháo gỡ những vướng mắc, khủng hoảng. Qua đó, UBND tỉnh đã đề ra những yêu cầu cụ thể với các sở, ngành liên quan xem xét, hỗ trợ các công ty tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện cho các DN tiếp cận dễ dàng với các chính sách khuyến khích, hỗ trợ vay vốn đầu tư, tín dụng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, tiếp cận dịch vụ phát triển kinh doanh… Đồng thời cũng yêu cầu các DN cần có các giải pháp cụ thể nhằm phát triển sản xuất kinh doanh; từng bước đổi mới công nghệ, trang thiết bị để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh liên doanh liên kết, có chiến lược phát triển thị trường trong nước và mở rộng ra thị trường Lào, Campuchia, vùng Đông Bắc Thái Lan; giữ vững thương hiệu; chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần và các chế độ chính sách cho người lao động.

 

 

Nguồn: Công Thương điện tử