Phát triển làng nghề là một nội dung chủ yếu của công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH - HĐH) nông nghiệp, nông thôn ở nước ta. Nhờ những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua sự phát triển làng nghề đã đạt được những kết quả to lớn, góp phần làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên, ở từng địa phương có những đặc thù riêng để phát triển làng nghề. Với Quảng Nam thì những làng nghề phát triển được đều gắn với du lịch và việc xây dựng thương hiệu cho làng nghề cũng nhằm phát triển du lịch.


Từ năm 2013 đến nay, khi Tổ chức Lao động Quốc tế hỗ trợ phát triển nghề dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng, chị em trong thôn Đờ Rồng huyện Đông Giang, Quảng Nam đã thành lập thành một tổ hợp tác gồm 26 chị em để cùng phát triển nghề dệt thổ cẩm và tìm đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm của người Cơ Tu. Trong đó có chị Bling thị Treng là nghệ nhân dệt thổ cẩm duy nhất được xét chọn trong 16 nghệ nhân làng nghề vừa được tỉnh Quảng Nam công nhận.


Có thể nói, trước đây, cha mẹ họ chỉ dệt tấm to, tấm dài để mặc hoặc tặng quà cho con cháu. Sau này, tổ hợp tác của các chị em đã bổ sung thêm mẫu mã để có thể bán được cho khách nước ngoài hoặc làm xong trưng bày, ai có nhu cầu thì mua sử dụng hoặc làm kỷ niệm. Nhiều người như chị Blup Thị Kén đã trưởng thành rất nhiều về tay nghề nhờ nghề dệt được khôi phục.


Chị Blup Thị  Kén, Tổ hợp tác dệt thổ cẩm ĐRồng, Đông Giang, Quảng Nam cho biết: Từ khi thành lập nhóm, em nhờ chị Treng rất nhiều, ví dụ như căng khung, cách đo đạc, mỗi khi cảm thấy khó khăn dệt sao cho đẹp mắt, em đều nhờ chị Treng giúp đỡ.


Được đào tạo, nâng cao tay nghề, thiết kế mẫu mã mới, trang bị kỹ năng nghiên cứu thị trường – đó là những gì mà những người thợ dệt thổ cẩm này học được để đến bây giờ, sản phẩm thổ cẩm của làng Đrồng đã có chỗ đứng trên thị trường, được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng. Nhiệm vụ truyền nghề của Bling thị Treng dường như bận rộn hơn, nhưng chị rất vui khi được ngành Công Thương của huyện tạo điều kiện để nghề truyền thống của người Cơ Tu duy trì và tiếp nối, đồng thời đảm bảo được đời sống chị em.


Trong 16 nghệ nhân làng nghề được tỉnh Quảng Nam công nhận thì chị Bling thị Treng là nghệ nhân dệt thổ cẩm duy nhất được xét chọn. Thông qua việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân, Thợ giỏi trên nhiều lĩnh vực, Quảng Nam muốn khôi phục các nghề truyền thống để phát triển sản xuất góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở từng địa phương, nhất là miền núi.


Ông Hồ Tấn Cường, Phó giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam cho biết: Ngoài giá trị phát huy được ở làng Bờ hồng, Đờ Rồng, Za ra, thì muốn những giá trị đó thành dịch vụ, thành sản phẩm để phục vụ có thể kéo dài thời gian lưu trú của du khách ở Quảng Nam


Từ chiến lược đầu tư cho làng nghề, các tour du lịch đã bắt đầu chọn điểm đến là làng nghề truyền thống ở Quảng Nam. Ví dụ như làng gốm Thanh Hà, hàng ngày có trung bình từ 300-400 khách đến tham quan, cùng thử nghiệm làm gốm và mua các sản phẩm của người dân Thanh Hà. Các công trình nhà hàng, khách sạn hay khu nghỉ mát cũng bắt đầu đặt hàng những người thợ gốm với mẫu mã mới. Doanh thu làng gốm không ngừng tăng và lao động nghề gốm không còn là những người già như trước.


Ông Nguyễn Viết Sơn, người dân làng gốm Thanh Hà, thành phố Hội An, Quảng Nam: Nghề gồm là nghề truyền thống, giờ được công nhận là di sản nên các làng nghề được giúp đỡ, sản phẩm ngày một đi lên, phục vụ cho du lịch.


Đúc đồng Phước Kiều không còn là cái tên xa lạ từ khi chính sách khuyến khích khôi phục làng nghề được thực hiện cùng với việc hỗ trợ quảng bá thương hiệu từ ngành Công Thương Quảng Nam. Cầu nối giữa văn hóa – thương mại – du lịch trở nên chặt chẽ hơn bao giờ hết bởi làng nghề không thể sống được chỉ nhờ yếu tố riêng lẻ mà phải là sự kết hợp đồng bộ, cũng như sự nỗ lực của cả chính quyền lẫn nghệ nhân làng nghề.


Theo ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: Phải có sự kết hợp hài hòa hợp lý giữa phát triển làng nghề với thương mại, chúng tôi cố gắng giữ nguyên hoạt động của làng nghề, nhưng thay đổi mẫu mã sản phẩm, đồng thời không để ô nhiễm môi trường xảy ra, để đưa du khách đến thông qua một nhà trưng bày sản phẩm, để tìm đầu ra cho sản phẩm.


Quảng Nam hiện có 61 làng nghề, đa dạng về quy mô và loại nghề truyền thống. Để duy trì được các làng nghề này, ngoài việc cố gắng giữ nét độc đáo truyền thống của làng nghề mình, người dân và chính quyền địa phương còn phải luôn tạo ra những sản phẩm mới mẻ, dịch vụ đa dạng để có thể thu hút được du khách. Làng nghề phải đảm bảo tính qui mô của làng có hoạt động nghề truyền thống thực sự chứ không chỉ là trình diễn, có như vậy, du khách đến sẽ cảm nhận được bản sắc của một làng nghề. Để làm được điều đó cần có sự tự vận động từ phía các làng nghề và sự nỗ lực hợp tác của các ngành các cấp, giúp làng nghề có lực để bước ra, tìm hiểu thị trường và theo sát được nhu cầu của thị trường./.


 HL