Mục tiêu của chương trình là đến năm 2015, tỷ trọng công nghiệp nông thôn trong giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành đạt từ 69-70%/năm; kim ngạch xuất khẩu hàng tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng bình quân 20%/năm. Đồng thời, tỉnh sẽ giải quyết việc làm thông qua đào tạo nghề cho 17.000 - 18.000 lao động nông thôn. Trong chương trình đào tạo nghề, truyền nghề, phát triển nghề, tỉnh sẽ khôi phục và phát triển nghề thủ công truyền thống; du nhập và cấy nghề mới, sản phẩm mới mà địa phương có tiềm năng phát triển để tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội. Bên cạnh đó, chương trình sẽ tổ chức các lớp đào tạo tại chỗ và ngắn hạn để tạo việc làm cho 13.120 người, nâng cao tay nghề cho 4.430 lao động, đồng thời đào tạo 200 thợ giỏi để truyền nghề.
Tỉnh cũng sẽ chú trọng đến việc nâng cao năng lực quản lý thông qua đào tạo, tập huấn các lớp khởi sự, quản lý doanh nghiệp. Đến năm 2015, sẽ có ít nhất 470 học viên được đào tạo, tập huấn. Đối với các lớp bồi dưỡng, đào tạo ngắn ngày theo các chuyên đề như quản lý kinh doanh tổng hợp, quản trị nhân sự... mục tiêu là đào tạo được 850 học viên của các cơ sở công nghiệp nông thôn.
Ngoài ra, tỉnh sẽ tập trung một số chương trình như hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ nhằm thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ sản xuất tại các làng nghề, cụm công nghiệp; hỗ trợ tạo dựng thương hiệu cho các sản phẩm sản xuất trên địa bàn tỉnh để xây dựng được thị trường tiêu thụ; phát triển các hoạt động tư vấn và cung cấp thông tin để tạo lập được thị trường cho các sản phẩm của địa phương.
Trần Bình