Ngoài ra, đã hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh, tổ chức các đoàn khảo sát học tập kinh nghiệm về quản lý, học tập các mô hình sản xuất tiên tiến…Nhìn chung, hoạt động khuyến công của Quảng Ngãi giai đoạn qua đã góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỷ trong công nghiệp, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp; từng bước góp phần đổi mới công nghệ, cải tiến máy móc thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất cho các cơ sở CNNT, đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Việc hỗ trợ một phần kinh phí khuyến công đã tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế mạnh dạn đầu tư, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, năng lực cạnh tranh nhằm phát triển sản xuất CNNT một cách bền vững.
Nhằm đẩy mạnh hoạt động khuyến công, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có Quyết định số 1998/QĐ-UBND ngày 19/12/2013 về Chương trình khuyến công của tỉnh giai đoạn 2014 – 2015. Theo đó, khuyến công tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2014 – 2015 tập trung tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ), tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững; nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, năng lực cạnh tranh, góp phần chuyển dịch cơ cấu công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tại địa phương; tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới... Đồng thời hỗ trợ các cơ sở CNNT tìm kiếm đối tác, thúc đẩy cơ hội mua, bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ, duy trì và mở rộng mạng lưới phân phối, tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong và ngoài nước; Tăng cường quảng bá doanh nghiệp và sản phẩm của tỉnh bằng nhiều loại hình khác nhau,...
Cụ thể, giai đoạn 2014 – 2015, thông qua các chương trình đề án khuyến công sẽ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho từ 800 – 1.000 lao động nông thôn; tuyên truyền, giới thiệu 05 mô hình sản xuất mới, tiên tiến có thể phát triển và nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh; 50% cơ sở sản xuất CNNT, doanh nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; 5% cơ sở sản xuất CNNT, doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn; tạo sự chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng lợi thế, chủ lực của tỉnh như nông sản, chế biến thủy sản, sản phẩm bằng gỗ, hàng dệt may, thực phẩm chế biến, nguyên liệu giấy, polypropylene, dầu FO… và mở rộng xuất khẩu các mặt hàng mới phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước và nước ngoài; góp phần khuyến khích và nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm lợi thế của tỉnh; hỗ trợ cung cấp thông tin về xúc tiến thương mại, đầu tư thương mại, xúc tiến xuất khẩu đến các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và phát triển thương hiệu; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nội địa, củng cố phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo; ...
UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đưa ra giải pháp thực hiện là bảo đảm cân đối bố trí kinh phí khuyến công hàng năm đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu hoạt động khuyến công để triển khai thực hiện chương trình một cách hiệu quả nhất. Ngoài ra, ưu tiên phân bổ kinh phí và lồng ghép các nguồn kinh phí khác như: KHCN, quỹ môi trường… để thực hiện các đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp và áp dụng sản xuất sạch hơn; tăng cường hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề; mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất CN-TTCN; xử lý ô nhiễm môi trường, áp dụng sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; từng bước hình thành mạng lưới cộng tác viên khuyến công cấp huyện, xã; tăng cường công tác chỉ đạo và phối hợp giữa các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện chương trình…
KC.