Là địa phương có nhiều ngành nghề truyền thống, lực lượng lao động khá dồi dào, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã chủ động xây dựng chiến lược về phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trong đó tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển các ngành nghề truyền thống và công nghiệp nông thôn.


Sau hơn 10 năm thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), tạo bước đột phá trong phát triển, đến nay,  Hải Lăng đã có 2 cụm công nghiệp (CCN) Diên Sanh và Hải Thượng thu hút 16 dự án đầu tư với tổng giá trị gần 366 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 1.721 lao động, mức lương bình quân từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng; tổng giá trị các nhà máy sản xuất trong năm 2014 đạt gần 170 tỷ đồng; tỷ lệ lấp đầy tại CCN Diên Sanh đạt 86,95%, CCN Hải Thượng 19,4%; có 1.802 cơ sở sản xuất CN-TTCN với giá trị sản xuất ước đạt 970 tỷ đồng, riêng năm 2014 giá trị đạt 459,1 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 3.850 lao động tại địa phương.


Các dự án đầu tư hoạt động có hiệu quả trong những năm qua đã góp phần đưa mức tăng trưởng về CN-TTCN đạt cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương như Nhà máy may xuất khẩu của Công ty cổ phần GILIMEX - PPJ Quảng Trị, Nhà máy sản xuất bao bì bằng nhựa PP và PE của Công ty TNHH MTV An Phú Minh; Nhà máy sản xuất que hàn của Công ty Cổ phần khoáng sản Hiếu Giang; Nhà máy sản xuất dăm gỗ của Công ty cổ phần Long Hưng Thịnh, Quảng Trị; Nhà máy tái chế giấy của Doanh nghiệp HASINATO… Ngoài ra, một số doanh nghiệp, nhà máy hoạt động ngoài CCN có quy mô lớn, giá trị sản xuất lớn, giải quyết nhiều lao động, như Nhà máy gạch tuy nen Hải Chánh, tuy nen Hải Thượng, Nhà máy tinh bột sắn Quảng Trị ở Hải Thượng... Bên cạnh đó, CCN Hải Chánh đang được xây dựng với diện tích 30 ha.


Ngoài việc chú trọng đầu tư xây dựng các CCN hiện đại và có quy mô trên địa bàn, Hải Lăng còn quan tâm đến nghề mộc dân dụng bởi đây là nghề được hình thành từ rất sớm, gắn với lịch sử hình thành và phát triển của huyện. Nghề mộc dân dụng sản xuất những vật dụng trong gia đình như bàn ghế, tủ, giường... Theo thống kê đến năm 2014 trên địa bàn huyện có 215 cơ sở sản xuất mộc dân dụng với quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ.


Hiện Hải Lăng cũng có 3 nghề truyền thống đang hoạt động có hiệu quả gồm nghề làm mứt gừng truyền thống ở Mỹ Chánh, nghề làm giá đỗ ở Lam Thủy, nghề dệt xăm lưới ở Thâm Khê, trong đó nghề làm mứt gừng truyền thống ở Mỹ Chánh và giá đỗ Lam Thủy đã được UBND tỉnh công nhận. Có 6 làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận gồm làng nghề rượu Kim Long, nước mắm Mỹ Thủy, bánh ướt Phương Lang, nón lá Trà Lộc, nón lá Văn Quỹ, nón lá Văn Trị. Các ngành nghề truyền thống hàng năm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hơn 2.000 lao động nhàn rỗi tại địa phương với mức thu nhập bình quân 1 - 2 triệu đồng/ người/tháng.


Theo kế hoạch,  năm 2015 và những năm tới, Hải Lăng sẽ tranh thủ các nguồn lực để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng ở các CCN, tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, tìm kiếm thị trường, quan tâm phát triển một số ngành công nghiệp chủ lực ưu thế của địa phương như chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, cơ khí, gia công kim loại, may mặc. Bên cạnh đó từng bước rà soát để có kế hoạch chuyển những cơ sở hoạt động nhỏ lẻ ở trong các khu dân cư vào sản xuất tập trung tại các CCN.


Để đón đầu cho tương lai, Hải Lăng đang tăng cường huy động các nguồn lực trong các thành phần kinh tế, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư phát triển CN-TTCN. Tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá hình ảnh, đẩy mạnh phát triển các cụm công nghiệp, các ngành nghề truyền thống, tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển CN-TTCN bền vững.


Cục Công nghiệp địa phương