Theo Quy hoạch được phê duyệt, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 10 - 10,5%; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 8,5 - 9%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 2.700 - 2.800 USD.
Cơ cấu kinh tế: Khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 42 - 42,3%, khu vực dịch vụ chiếm khoảng 38 - 38,3% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 20 - 19,4%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2,5 - 3,0 tỷ USD. Tầm nhìn đến năm 2030, phấn đấu Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp, có trình độ phát triển trên mức trung bình của cả nước. Nền kinh tế đi lên từ công nghiệp và dịch vụ tiên tiến, phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp sạch, đô thị hiện đại và du lịch văn hóa.
Tổ chức không gian khoa học, hệ thống đô thị, khu vực nông thôn phát triển hài hòa, tổ chức sản xuất với các khu, cụm công nghiệp tập trung, dịch vụ phát triển, nông nghiệp chất lượng cao; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 9,5 - 10%/năm giai đoạn 2021 - 2030; thu nhập bình quân đầu người đạt 9.300-9.500 USD, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, khu vực công nghiệp, dịch vụ chiếm khoảng 88,5 - 89%; xuất khẩu đạt trên 6,5 tỷ USD.
Về lĩnh vực công nghiệp mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 14 -14,5%/năm, với các mục tiêu cụ thể:
Phát triển các sản phẩm chủ lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, mạng sản xuất trong bối cảnh toàn cầu hóa, gồm: Điện tử các loại và linh kiện; cơ khí phục vụ sản xuất ô tô, xe máy; tham gia cụm tương hỗ điện tử, cơ khí vùng Hà Nội. Công nghiệp dệt may, tận dụng lợi thế về lao động cũng như khả năng phát triển; đồng thời, thu hút doanh nghiệp cung cấp nguyên, phụ liệu trong bối cảnh tham gia các hiệp định mới. Các sản phẩm nông, lâm sản như vải thiều, gà đồi, rau sạch, đồ gỗ... Từng bước xây dựng cụm tương hỗ quả nhiệt đới tại thị trấn Chũ; phát triển công nghiệp chế biến gắn với phát triển ổn định vùng nguyên liệu.
Phát triển các ngành công nghiệp khác: Công nghiệp hóa chất, sản xuất điện, gồm: Tiếp tục phát triển để tận dụng nhà máy điện hiện có và nguồn nguyên liệu; duy trì công suất Nhà máy nhiệt điện Sơn Động. Tiểu thủ công nghiệp, phát triển làng nghề chế biến nông sản, thủ công mỹ nghệ gắn với công tác bảo tồn, phát triển du lịch và bảo vệ môi trường. Vật liệu xây dựng (gồm gạch tuynel, cát, sỏi, xi măng): Tiếp tục khai thác sỏi, cát theo quy hoạch đáp ứng một phần nhu cầu thị trường trong tỉnh; đổi mới công nghệ sản xuất gạch, xi măng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Khẩn trương hoàn thành mở rộng Nhà máy Phân đạm và hóa chất, nâng công suất sản xuất phân Ure lên 50 vạn tấn/năm và các sản phẩm phân bón tổng hợp, thuốc nổ công nghiệp, metanol, CO2 lỏng, gắn liền củng cố hệ thống phân phối từ cấp I, cấp II và đặc biệt là cấp III.
Phát triển các khu, cụm công nghiệp: Tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ cả trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp. Đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 5 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.322 ha, 36 cụm công nghiệp với diện tích 682,99 ha.
Như Kim