Trong phiên chất vấn ngày 18/11, các đại biểu Quốc hội đã dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác quy hoạch phát triển thủy điện, trong đó có việc xây dựng các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, hạn chế tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường, gây lũ lụt.

Điện trong mùa khô năm 2910: Sẽ không cẳng thẳng như trước
Đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) nêu vấn đề, nước ta có sự phát triển điện nhanh nhất trong khu vực nhưng cũng là nước có chỉ số tiêu tốn điện năng cao nhất khu vực. Trong khi đó, mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông báo có khả năng thiếu điện ở miền Bắc, điều này đồng nghĩa với việc cắt điện luân phiên sẽ lại tiếp diễn, tình trạng phát triển nóng của nhiều ngành dẫn tới phá vỡ quy hoạch ngành điện. Đại biểu Hải đề nghị Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết ngoài nguyên nhân tăng trưởng nóng, nguyên nhân quy hoạch ngành điện bị phá vỡ dẫn đến tình trạng thiếu điện hay không.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời: Việc thiếu điện ở miền Bắc liên quan đến việc chậm thực hiện so với các mục tiêu đã được quy định trong Tổng sơ đồ điện 6. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là một số chủ đầu tư không đáp ứng yêu cầu về khả năng tài chính, kinh nghiệm trong xây dựng dự án điện. Hơn nữa, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và khu vực vào cuối năm 2007, cả năm 2008 và đầu năm 2009, đẫn đến một số dự án chậm tiến độ.

Giải trình về phương hướng khắc phục, Bộ trưởng nói: “Vừa qua, khi thấy khả năng thực hiện số dự án trong tổng sơ đồ 6 chậm, Chính phủ đã kịp thời có biện pháp điều chỉnh bằng việc xem xét và giao lại các dự án điện cho những doanh nghiệp, những tập đoàn lớn có khả năng hơn. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã yêu cầu hệ thống ngân hàng, tài chính tạo điều kiện cho các chủ đầu tư... Với biện pháp chỉ đạo quyết liệt như vậy, trong thời gian nửa cuối của năm 2009 trở lại đây, tiến độ thực hiện Tổng sơ đồ 6 cũng có được cải thiện hơn” .

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, nếu năm 2007 chúng ta chỉ có 12.000MW công suất điện thì năm 2008 đã tăng lên 15.000MW và hết năm 2009 sẽ có khoảng 18.000Mw công suất điện. Với việc gia tăng năng lực sản xuất mới, cùng với các giải pháp tốt trong việc thực hiện chính sách tiết kiệm điện, có biện pháp điều hành một cách phù hợp, tập trung hơn thì khả năng cung ứng điện năm 2010 tuy còn khó khăn nhưng có sẽ không cẳng thẳng như giai đoạn của mùa khô năm 2008.

Thủy điện: Cần cách nhìn nhận công bằng, khách quan hơn

Tại nghị trường, rất nhiều đại biểu đã đặt vấn đề với những liên hệ giữa chất lượng quy hoạch, hiệu quả đầu tư và điều hành các công trình thủy điện với những hệ lụy nặng nề do hai cơn bão số 9 và 11 gây ra vừa qua.

Đại biểu Võ Minh Thức (Phú Yên) gay gắt: “Bộ trưởng có suy nghĩ gì trước thực trạng các đơn vị tranh nhau làm thủy điện?”. Đại biểu này cho rằng, chúng ta làm vội vàng, làm bằng mọi giá mà chưa tính toán đầy đủ ảnh hưởng đến môi trường, nhất là ảnh hưởng của vùng hạ du. Ông thức đặt câu hỏi: “Tại sao các công ty vừa qua lại quan tâm và thích làm thủy điện như vậy. Phải chăng vì lợi nhuận cao hay vì đây là một nhóm công trình được ưu tiên đầu tư của Nhà nước, của Chính phủ, hay đây là một cái mác, một thương hiệu để các công ty có điều kiện thu hút vốn qua kênh của thị trường chứng khoán?”.

Trả lời chất vấn của đại biểu Võ Minh Thức, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng dứt khoát: “Xin khẳng định tất cả các công trình thủy điện của chúng ta, bất kể quy mô lớn, vừa hay nhỏ đều triển khai trên cơ sở các quy hoạch đã được duyệt”. Bộ trưởng giải thích, ngoài các quy hoạch điện lớn như quy hoạch tổng sơ đồ 6, chúng ta còn có riêng một quy hoạch thủy điện ở Việt Nam do Tập đoàn điện lực Việt Nam lập và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương xem xét phê duyệt. Với những nhà máy thủy điện quy mô dưới 30 MW thì do địa phương hoặc tự phê duyệt hoặc lấy ý kiến thỏa thuận của Bộ Công Thương hoặc Bộ Công Thương phê duyệt.

Về mối liên quan giữa chất lượng quy hoạch, hiệu quả đầu tư và điều hành các công trình thủy điện với những hệ lụy nặng nề do hai cơn bão số 9 và 11 gây ra vừa qua, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, không phải chỉ sau cơn bão số 9 và số 11 chúng ta mới nói câu chuyện về thủy điện cũng như xây dựng và thực hiện quy hoạch thủy điện. Từ trước tới nay, Chính phủ luôn yêu cầu Bộ Công Thương - cơ quan giúp cho Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước trong lĩnh vực điện năng - phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác quản lý nguồn nước; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để quản lý về nước thủy lợi.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã thường xuyên tiến hành kiểm tra tại các địa phương có quy hoạch thủy điện. Nhưng do điều kiện về nhân lực, về khả năng nên mới kiểm tra được 1/3 trong tổng số 35 tỉnh, thành phố có quy hoạch thủy điện. Qua kết quả thực tế kiểm tra tại các địa phương, Bộ Công Thương đã kiến nghị cần phải xem xét, bổ sung, chỉnh sửa quy hoạch.

Bộ trưởng cho rằng, các số liệu quan trắc về thủy văn thu thập được trên hệ thống các dòng sông từ nhiều năm nay, bây giờ đã không còn phù hợp với tình hình diễn biến của thời tiết, khí hậu. Đặc biệt, 70% nguồn nước của chúng ta là lưu vực nằm ở nước ngoài, trong khi đó các trạm quan trắc lại phải đặt ở trong nước.

Để giải quyết vấn đề nan giải này, theo Bộ trưởng, trong thời gian tới phải rà soát, bổ sung và điều chỉnh một cách kịp thời, kể cả quy hoạch thủy điện toàn quốc lẫn quy hoạch thủy điện của các địa phương bám sát thực tế nói trên.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng, cần có một cách nhìn nhận công bằng và khách quan đối với thủy điện, nhất là thủy điện ở miền Trung. Vì đại đa số các công trình thủy điện đều nằm ở những vùng sâu, vùng xa, vùng núi, vùng hiểm trở, những người làm thủy điện rất vất vả để làm ra dòng điện cho đất nước.

Bộ trưởng cho rằng: "Tôi nghĩ rằng không phải tất cả các doanh nghiệp làm thủy điện đều chỉ vì mục đích lợi nhuận, nếu thế thì người ta có thể làm các công trình khác chứ không phải chỉ có thủy điện, đi vào tận những vùng sâu, vùng xa, vùng đèo heo hút gió như vậy và nhiều người đã hy sinh vì dòng điện của tổ quốc”.

Trước khi có những lời tâm huyết này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã đưa ra những minh chứng đáng suy nghĩ: Tại thủy điện Bản Vẽ, năm 2007, sụt lở mỏ đá làm 18 công nhân thiệt mạng và gần đây nhất, do ảnh hưởng của cơn bão số 9, 9 công nhân của Tổng công ty Sông Đà làm thủy điện Xê-ca-mản bị nước lũ cuốn trôi. “Người ta làm điện cho ai, làm điện cho đất nước. Cho nên nhìn nhận thủy điện tôi nghĩ phải công bằng, không phải tất cả thủy điện là nguyên nhân gây ra tình trạng lũ lụt như vừa rồi, không phải?!”- Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Theo thống kê, hiện Việt Nam có trên 90% số xã có điện lưới quốc gia; 85% hộ dân ở nông thôn được sử dụng điện. Chính phủ và các Bộ, ngành hữu quan đặt mục tiêu đến năm 2010, trừ những địa bàn vùng hải đảo hoặc những vùng khó khăn, sẽ đảm bảo đưa điện đến 100% số xã và cho hộ nông dân trong cả nước.

Theo báo CT