Xây dựng được thương hiệu quốc tế cho một sản phẩm sẽ góp phần nâng tầm sản phẩm làng nghề của cả Hà Nội… ,đó là gợi ý của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa về việc phát triển nghề, làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội.


Theo thống kê của Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 1.350 làng có nghề, trong đó có 286 làng nghề đã được công nhận. Trong những năm qua, đặc biệt là từ năm 2009 trở lại đây các làng nghề trên địa bàn thành phố đã phát triển mạnh mẽ. Nếu như năm 2009 số cơ sở sản xuất tại các làng nghề là 163.150 cơ sở thì đến nay đã tăng lên 175.889 cơ sở. Số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã tại các làng nghề cũng khá đông đảo, cụ thể có 2.063 công ty cổ phần; 4.562 công ty TNHH; 1.466 doanh nghiệp tư nhân; 164 hợp tác xã…

 

Sự phát triển nhanh chóng của lực lượng làng nghề cũng đã đóng góp không nhỏ cho kinh tế Thủ đô, năm 2013 giá trị sản xuất của khu vực làng nghề đạt 12.200 tỷ đồng, tăng 4.550 tỷ đồng so với năm 2009. Làng nghề Sơn mài Hạ Thái (Thường Tín), Gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), Mộc Chàng Sơn (Thạch Thất)… là những làng nghề có giá trị sản xuất cao.

 

Ngoài “nền tảng” tốt, theo đại diện Phòng Quản lý Tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, Sở Công Thương Hà Nội, sự phát triển của các làng nghề trên địa bàn thành phố những năm qua có sự góp sức không nhỏ của ngành Công Thương thành phố. Không hỗ trợ một cách dàn trải, từ nguồn kinh phí khuyến công, xúc tiến thương mại Thành phố tập trung hỗ trợ 4 vấn đề chính: Đào tạo nghề, xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và hỗ trợ hạ tầng cho các làng nghề.

 

Theo đó, trong suốt 5 năm (2009 - 2013) khuyến công Hà Nội đã tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề, nhân cấy nghề… cho 43.850 lao động; hỗ trợ 24 đề án đổi mới công nghệ, thiết bị cho các cơ sở sản xuất… Bên cạnh đó, từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại, Hà Nội đã tổ chức các Hội chợ giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề trên địa bàn thành phố như Hanoi Gift Show; hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp làng nghề về phát triển mẫu mã sản phẩm; khảo sát, học tập và mở rộng phong trào mỗi làng một sản phẩm…

 

Xây dựng thương hiệu, quảng bá cho sản phẩm làng nghề của Hà Nội là vấn đề đã được Hà Nội thực hiện nhiều năm qua và được nhiều du khách, nhà nhập khẩu quốc tế biết đến. Hiệu quả cũng đã thấy rõ, một số sản phẩm làng nghề đã được xuất khẩu rất tốt, như: Sản phẩm mây tre đan, thêu ren, dệt lụa. Đặc biệt, trong năm vừa nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tại các làng nghề như: Gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, khảm trai Chuyên Mỹ, sơn mài Hạ Thái, tạc tượng Sơn Đồng… đều ký được hợp đồng xuất khẩu ổn định.

 

Tuy nhiên, có một hiện trạng tồn tại đã nhiều năm không chỉ với sản phẩm làng nghề của Hà Nội mà của sản phẩm thủ công mỹ nghệ chung của cả nước đó là vấn đề giá thấp do không có thương hiệu. Ông Thái Đại Phong, Giám đốc công ty TNHH Đức Phong đưa ra ví dụ: Cũng là một sản phẩm do công ty chúng tôi sản xuất ra, khách hàng mua về dán mác thương hiệu của họ mức chênh lệch giá có lúc tăng lên 40 lần.

 

Vai trò của thương hiệu rất quan trọng đối với sự phát triển cũng như định vị vị trí của sản phẩm làng nghề thành phố trên thị trường hàng thủ công mỹ nghệ thế giới. Tại buổi làm việc với Sở Công Thương Hà Nội mới đây, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cũng nhấn mạnh: Làng nghề, sản phẩm làng nghề là đặc thù rất riêng của Hà Nội, vì vậy thành phố cần chú trọng phát triển làng nghề gắn với du lịch, chú ý quản lý sát sao tới chất lượng sản phẩm của các làng nghề, đặc biệt, thành phố cũng đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề.

 

Thứ trưởng cũng gợi ý, Hà Nội nên chọn một sản phẩm của làng nghề để xây dựng thương hiệu quốc tế. Ngoài việc hỗ trợ lựa chọn sản phẩm, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với thành phố, các đơn vị liên quan hỗ trợ để đăng ký bản quyền, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. “Chúng ta không cần xây dựng nhiều thương hiệu cùng một lúc chỉ cần một thương hiệu thôi cũng sẽ góp phần đẩy mạnh đáng kể thương hiệu sản phẩm làng nghề của cả Hà Nội...”.

 

Xây dựng thương hiệu quốc tế cho một sản phẩm làng nghề của Hà Nội không phải là vấn đề đơn giản, đó không chỉ là sự lựa chọn sản phẩm nào cho xứng đáng mà còn phải đầu tư thời gian, công sức, kinh phí, quan trọng hơn là việc duy trì được thương hiệu. Thế nhưng nếu có được một thương hiệu được thế giới công nhận tầm vóc của sản phẩm làng nghề Hà Nội sẽ được nâng lên một tầm mới và đó cũng là điều cần cân nhắc.

 

Phạm Kim