Giai đoạn 2011-2015, sản xuất công nghiệp của Hà Giang có bước đột phá khá rõ nét, đóng góp đáng kể vào thu ngân sách trên địa bàn tỉnh, giá trị sản xuất công nghiệp năm sau liên tục tăng mạnh so với năm trước.


Sản xuất công nghiệp đột phá


Công nghiệp khai khoáng đã từng bước chuyển từ khai thác, bán nguyên liệu thô sang chế biến sâu. Xây dựng được 10 nhà máy chế biến khoáng sản vừa và nhỏ, trong đó có một số nhà máy đã đi vào hoạt động. Công tác quy hoạch, quản lý cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản được thực hiện chặt chẽ, đã phát hiện 215 điểm mỏ và khu vực có tiềm năng về khoáng sản, quy hoạch được 99 mỏ với 28 loại khoáng sản khác nhau, hiện đang có 62 dự án hoạt động.


Công nghiệp thủy điện tiếp tục được đầu tư hiệu quả, toàn tỉnh hiện có 46 dự án thủy điện trong quy hoạch với tổng công suất lắp máy 774,8 MW. Trong 5 năm đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác 13 nhà máy, với tổng công suất lắp máy 328,9MW, nâng tổng số máy hoạt động trên địa bàn lên 24 nhà máy với công suất 407,7 MW; sản lượng điện phát ra đạt 1.410 triệu KWh. Hệ thống lưới điện nông thôn tiếp tục được đầu tư, tỷ lệ hộ được sử dụng điện toàn tỉnh đạt 83,3%.


Công nghiệp chế biến cũng có bước phát triển, một số cơ sở chế biến nông lâm sản, thực phẩm đầu tư dây chuyền, thiết bị, công nghệ tiên tiến, sản xuất có hiệu quả, sản phẩm được thị trường chấp nhận.


Công tác khuyến công, dạy nghề, cấy nghề được quan tâm. Các ngành nghề như: Bảo quản và chế biến nông lâm sản, mây tre đan, dệt may, cơ khí nhỏ, sản xuất nhạc cụ truyền thống… được đầu tư phát triển gắn với hình thành các làng nghề, hợp tác xã thủ công nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế xã hội thiết thực. Tính đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 28 làng nghề được công nhận.


 Thương mại, dịch vụ phát triển mạnh


Tính đến hết năm 2015, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt 6.500 tỷ đồng, tăng 3 lần so với năm 2010. Chỉ số giá tiêu dùng giảm dần từ 19,9% năm 2011 xuống còn 6,6% năm 2015. Kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ được quan tâm đầu tư xây dựng; hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu được đẩy mạnh; nhiều sản phẩm hàng hóa của Tỉnh được tiêu thụ mạnh trên thị trường trong nước và xuất khẩu như: Gỗ ván bóc, chè, cam, thảo quả, mật ong, khoáng sản qua chế biến.


Chương trình phát triển kinh tế biên mậu bước đầu đạt được kết quả tích cực. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh năm 2015 tăng 1,8 lần so với năm 2010. Công tác quy hoạch các cặp cửa khẩu và kết cấu hạ tầng các cửa khẩu, các lối mở trên tuyến biên giới được quan tâm đầu tư xây dựng.


Có thể nói, trong giai đoạn 2011-2015, Hà Giang đã vượt qua những khó khăn đặc thù của một tỉnh vùng cao cực Bắc Tổ quốc để đạt được những thành tựu ấn tượng trong phát triển kinh tế-xã hội nói chung và phát triển ngành Công Thương nói riêng. Trở thành một trong những địa phương dẫn đầu trong vùng Tây Bắc.



Cục Công nghiệp địa phương (ARID)