Thôn La Xuyên xã Yên Ninh, huyện Ý Yên là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng của tỉnh Nam Định, với hàng nghìn năm tuổi nghề mộc mà đỉnh cao là nghệ thuật chạm khảm của La Xuyên đã đạt đến độ hoàn hảo, đường nét chau chuốt, tinh tế, mềm mại và đặc biệt luôn toát lên phong cách cổ điển mà sang trọng. Những sản phẩm của làng nghề như: bàn ghế, sập gụ, tủ chè, cửa võng, hương án…
không chỉ được người trong nghề đánh giá cao mà còn rất được ưa chuộng trên thị trường. “Ở khắp các thành phố lớn từ Nam chí Bắc nơi đâu cũng có sự góp mặt của sản phẩm mộc La Xuyên”- đó là lời chia sẻ đầy tự hào của ông Phạm Văn Tòng, Trưởng thôn La Xuyên đồng thời là một chủ cơ sở sản xuất về “độ phủ” của sản phẩm làng nghề. Điều này được minh chứng phần nào qua không khí sản xuất rất sôi động của La Xuyên, cả làng nghề không lúc nào ngơi tiếng máy cưa, máy xẻ và không lúc nào vắng bóng những chuyến xe chở nguyên liệu về phục vụ cho nhu cầu sản xuất của làng nghề. Hơn thế nữa, với cụm công nghiệp làng nghề rộng 16 ha, 24 doanh nghiệp và hàng nghìn cơ sở sản xuất La Xuyên được ví như một “công trường” với không khí sản xuất luôn “nóng”.
Lý giải về những bí quyết thành công của La Xuyên, ông Tòng chia sẻ: sở dĩ sản phẩm mộc của La Xuyên luôn được người tiêu dùng đón nhận là do nghề mộc của La Xuyên là nghề truyền thống đã rất lâu đời nên đúc kết nhiều tinh hoa trong nghề. Thêm vào đó, người thợ La Xuyên luôn học hỏi, cải tiến mẫu mã cũng như chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nhưng sự cải tiến mẫu mã của La Xuyên luôn phải hài hòa với sản phẩm truyền thống do đó dù có cải tiến tới mức nào cũng không thể mất cái tinh của mộc La Xuyên, có chăng, chỉ làm cho sản phẩm của làng nghề thăng hoa hơn mà thôi. Ngoài ra, người dân La Xuyên cũng rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt nhu cầu cũng như mở rộng thị trường, hiện nay một số doanh nghiệp lớn của làng nghề như: công ty TNHH La Xuyên Vàng, công ty TNHH Hiền Minh…đã bắt đầu xuất khẩu được sản phẩm của làng nghề sang các thị trường lân cận như: Lào, Campuchia, Trung Quốc… tuy số lượng không nhiều nhưng hứa hẹn một hướng đi mới cho sản phẩm của làng nghề.
Không chỉ giúp người dân La Xuyên làm giàu, nghề mộc truyền thống nơi đây đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động các địa phương xung quanh, thậm chí cả lao động ở những tỉnh xa như: Thanh Hóa, Lạng Sơn, Thái Nguyên…với thu nhập đáng kể từ 2-5 triệu đồng/người/tháng tùy theo tay nghề của mỗi người. Điều đáng học hỏi ở La Xuyên là dù lao động ngoại tỉnh hay lao động địa phương trước khi làm nghề luôn được đào tạo cơ bản. Làng nghề có hẳn một Hợp tác xã (hợp tác xã Đồng Tâm) đảm nhận khâu đào tạo cho người lao động. Hợp tác xã hoạt động trên mối liên kết nhà trường - người học - doanh nghiệp, nghĩa là sau khi được đào tạo cơ bản từ 6 tháng đến một năm tại Hợp tác xã, lao động học nghề sẽ được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của làng nghề nhận về học tiếp những kỹ năng, kỹ thuật khó (có thể là những bí quyết riêng của mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất) theo hình thức vừa học, vừa làm. Theo lời ông Dương Văn Hiền, Giám đốc công ty TNHH La Xuyên Vàng, thì đây là cách tốt nhất để người học tiếp cận nhanh với những kỹ thuật chạm khảm, đồng thời rút ngắn được thời gian cũng như tiết kiệm được chi phí cho người học. Hiện, với khoảng 250 lao động được đào tạo mỗi năm, La Xuyên luôn đảm bảo được nguồn nhân lực có chất lượng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của làng nghề.
Kế thừa và phát huy một cách khoa học những tinh hoa của nghệ thuật chạm gỗ truyền thống, năng động trong cách tiếp cận thị trường nghề mộc truyền thống đang từng ngày được người dân La Xuyên đưa lên một tầm cao mới, để sản phẩm của làng nghề vươn cao, vươn xa hơn.
Phạm Kim