Công tác xúc tiến đầu tư nhất là đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp và trên địa bàn tỉnh đạt thấp. Một số dự án đăng ký đầu tư nhưng chậm triển khai hoặc triển khai không đúng tiến độ đã cam kết. Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá cố định 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt 5.885,689 tỷ đồng, tăng 6,03% so với cùng kỳ năm 2012, đạt 41,4% kế hoạch 2013(14.218 tỷ đồng).
Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt 11.118,84 tỷ đồng, tăng 9,45% so cùng kỳ năm 2012, đạt 44,5% so kế hoạch năm 2013 (25.000 tỷ đồng). Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 345,98 triệu USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 43,25% kế hoạch năm 2013 (800 triệu USD). Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 327,56 triệu USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 43,68% kế hoạch năm 2013 (750 triệu USD).
Nguyên nhân dẫn đến chỉ tiêu công nghiệp, thương mại 6 tháng đầu năm của Thái Bình vẫn thấp so với kế hoạch đề ra do tình hình kinh tế thế giới, lạm phát, nợ công vẫn diễn biến phức tạp, rào cản thương mại tăng làm ảnh hưởng nhiều tới thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Đầu tư cho phát triển kinh tế trong nước chậm, sản xuất công nghiệp, thương mại gặp khó khăn về tài chính, giá cả, vật tư không ổn định, thị trường sức mua giảm. Ảnh hưởng của cơn bão số 8 đã làm thiệt hại lớn cho tỉnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh.
Một số địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức tới công tác phát triển nghề, làng nghề, chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò, tác dụng của phát triển nghề. Cơ sở hạ tầng xuống cấp gây khó khăn cho phát triển làng nghề; vấn đề ô nhiễm môi trường trong làng nghề ảnh hưởng đến phát triển sản xuất; thiếu nguồn lao động trẻ khoẻ có trình độ cho các cơ sở sản xuất của làng nghề. Một số cơ chế, chính sách về quản lý cần nghiên cứu sửa đổi để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tình hình sản xuất ở một số doanh nghiệp, làng nghề tăng trưởng chậm, bị suy giảm, sản phẩm tồn kho ngành sản xuất vật liêu xây dựng, tiêu thụ chậm. Nhu cầu của thị trường xuất khẩu giảm, các doanh nghiệp không ký được hợp đồng sản xuất. Sức mua hàng hoá trên thị trường giảm, hàng hoá tiêu thụ chậm.
Nguồn nhân lực vốn được coi là lợi thế của tỉnh thời gian vừa qua cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp thiếu lao động, nhất là các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, gần khu công nghiệp và thị trấn. Phần lớn doanh nghiệp thiếu vốn để đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, nên chất lượng sản phẩm, năng suất lao động thấp, giá thành cao, làm giảm tính cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.
Ngành dệt may là ngành chiếm tỷ trong lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp của Thái Bình, song chủ yếu làm hàng gia công cho các doanh nghiệp nước ngoài, giá trị gia tăng thấp. Nhiều doanh nghiệp chưa ký được hợp đồng xuất khẩu trực tiếp, phải ký hợp đồng thông qua các doanh nghiệp xuất khẩu đầu mối. Một số doanh nghiệp trong sản xuất chưa quan tâm và chú ý đến xử lý môi trường làm ảnh hưởng đến môi trường chung. Phần lớn chủ doanh nghiệp chưa được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; còn thiếu kinh nghiệm và kiến thức kinh doanh.
Mục tiêu 6 tháng cuối năm, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 8.332 tỷ đồng, tăng 17,56% so với cùng kỳ, cả năm 14.218 tỷ đồng. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ 6 đạt 13.881 tỷ đồng tăng 25,11% so với cùng kỳ, cả năm 25.000 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng cuối năm đạt 454 triệu USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ, cả năm 800 triệu USD. Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng cuối năm đạt 422 triệu USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ, cả năm 750 triệu USD.
Sở Công Thương Tỉnh Thái Bình