Năm 2012, tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các Sở, ban, ngành, các huyện, thành phố và sự nhiệt tình tham gia của các doanh nghiệp trong tỉnh, Sở Công Thương Thái Bình đã tổ chức triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại giúp các doanh nghiệp trong tỉnh mở rộng sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Các chương trình xúc tiến thương mại năm 2012 đã có sự chuyển biến hơn những năm trước về quy mô, hiệu quả và chất lượng. Các hình thức triển khai các chương trình xúc tiến thương đã được cải tiến với nhiều hình thức và chuyên nghiệp hơn.Tuy nhiên vẫn còn nhiều mặt hạn chế như chưa tổ chức được nhiều hoạt động xúc tiến thương mại lớn, các hoạt động xúc tiến thương mại chỉ tập trung vào việc tổ chức và tham gia các hội chợ triển lãm, cung cấp thông tin, tổ chức lớp học, v.v… mà chưa có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu khảo sát thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài nhằm đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu hàng hóa của địa phương. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu còn yếu chưa được quan tâm đầu tư nhiều.
Phát biểu tại hội nghị đồng chí Phạm Văn Sinh – Chủ tịch UBND tỉnh đã kết luận Xúc tiến thương mại là công cụ hỗ trợ rất tốt cho Doanh nghiệp, cho người sản xuất. Làm tốt công tác xúc tiến thương mại là việc hết sức quan trọng góp phần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của Thái Bình để kích thích sản xuất hàng hóa nhằm góp phần bình ổn thị trường cả về chủng loại và giá cả. Nếu không làm tốt công tác xúc tiến sẽ dẫn đến tình trạng hàng hóa khan hiếm, giá cả tăng cao. Đồng chí Phạm Văn Sinh đã nêu ra định hướng những hoạt động cần làm trong thời gian tới đặc biệt là đẩy mạnh xúc tiến ngoài tỉnh, quan tâm tổ chức tốt Hội chợ trong tỉnh đồng thời đẩy mạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh tham gia các Hội chợ tỉnh ngoài và nước ngoài. Đồng chí nhấn mạnh công tác xúc tiến thương mại phải góp phần tích cực tiêu thụ hàng nông sản, thủy sản, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng công nghiệp của Thái Bình ở cả trong và ngoài nước.
Để hoàn thiện kế hoạch Thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại năm 2013 và Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, Đồng chí yêu cầu Sở Công Thương cần làm tốt việc giới thiệu quảng bá sản phẩm Thái Bình trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp. Trong giới thiệu quảng bá bao gồm quảng bá thương hiệu, đồng thời tạo điều kiện phát triển hệ thống siêu thị, hệ thống đại lý của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch; Kết nối các doanh nghiệp có hợp đồng sản xuất và tiêu thụ hàng nông thủy sản. Cần có các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực quảng bá sản phẩm, quảng bá thương hiệu trên website, cổng thông tin điện tử, v.v... Hỗ trợ chương trình đưa hàng Việt về nông thôn và bình ổn giá.
Đối với công tác xúc tiến xuất khẩu, Thái Bình sẽ hỗ trợ kinh phí tổ chức đoàn đi, doanh nghiệp đóng góp một phần kinh phí. Song song với đó cần làm tốt công tác quản lý thị trường, chống hàng giả hàng kém chất lượng.
Sở Công Thương Tỉnh Thái Bình