Phong trào phát triển nghề và làng nghề ở Thái Bình đã mang lại lợi ích kinh tế - xã hội khá lớn. Năm 2000, giá trị sản xuất (tính theo giá cố định 1994) của các làng nghề mới đạt 660 tỷ đồng, đến năm 2014, đạt 7.127 tỷ đồng, chiếm 20,8% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động nông thôn. Nhiều nơi, giá trị sản xuất của nghề và làng nghề chiếm từ 45 -50% trong tổng giá trị sản xuất của các ngành kinh tế, đưa tốc độ phát triển kinh tế địa phương thời gian qua tăng bình quân 13 -14%/năm, như ở các xã: Thái Phương, Canh Tân, Tân Lễ (Hưng Hà); Hồng Thái, Lê Lợi (Kiến Xương); Vũ Hội, Nguyên Xá (Vũ Thư).
Thái Bình đặt mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu trở thành tỉnh công nông nghiệp theo hướng hiện đại và có từ 50 - 70% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Để duy trì, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, tỉnh có chính sách quan tâm đến công tác đào tạo, truyền nghề, dạy nghề; tôn vinh các doanh nghiệp, nghệ nhân, thợ giỏi; ưu tiên tăng nguồn vốn khuyến công, vốn đào tạo dạy nghề, truyền nghề. Ưu tiên hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, hạ tầng cụm công nghiệp gắn với hệ thống xử lý môi trường. Có chính sách ưu tiên làng nghề truyền thống, đăng ký xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh đưa máy móc và áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất đã giúp nghề mộc ở xã Nguyên Xá (Vũ Thư) phát triển mạnh. Hiện nay, 100% cơ sở sản xuất và hộ làm nghề mộc trong xã đã áp dụng máy móc vào quá trình sản xuất, đặc biệt là máy chạm khắc gỗ bằng công nghệ tiên tiến CNC.
Cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Khởi Tiếp là một trong những cơ sở lớn sản xuất, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ của làng nghề thôn Thái, xã Nguyên Xá. Doanh thu hàng năm của cơ sở đạt trên 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho 25 lao động với thu nhập từ 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Những năm gần đây, cơ sở Khởi Tiếp cùng nhiều cơ sở khác trong làng nghề đã đầu tư mua sắm, đưa máy móc hiện đại vào sản xuất. Những dụng cụ lao động thủ công trước đây như dùi đục, cưa gỗ bằng tay… đã được thay thế bằng máy cưa, máy vanh, máy cuốn gỗ, máy chạm khắc gỗ công nghệ CNC…
Hiện nay, 80% hoạt động nghề mộc ở thôn Thái đều sử dụng máy móc có giá từ vài triệu đồng đến nửa tỷ đồng/chiếc. Một thợ vận hành máy tại cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Khởi Tiếp cho biết: Các sản phẩm gỗ mỹ nghệ làm ra từ máy chạm khắc gỗ công nghệ CNC nhanh và tinh xảo hơn so với làm thủ công. Nếu trước đây, để đục một bức tranh đồng quê có kích cỡ 30x70cm thì một người thợ lành nghề phải làm tới 16 giờ. Trong khi đó, với máy chạm khắc gỗ công nghệ CNC thời gian chỉ mất 6 giờ. Năm 2003, thôn Thái được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống. Nghề mộc có ở thôn Thái từ nhiều đời nay, tuy nhiên từ năm 2010 đến nay mới thực sự phát triển mạnh. Để có sự phát triển này, các cơ sở sản xuất, hộ làm nghề ở đây đã không ngừng đầu tư, đưa máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, sản lượng. Dọc hai bên tỉnh lộ 463 đoạn đi qua làng nghề kéo dài hơn 2km có hàng chục cơ sở sản xuất và cửa hàng kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ san sát nhau. Trong làng nghề hiện có gần 20 cơ sở sản xuất lớn và hàng chục hộ gia đình chuyên làm nghề mộc, sản xuất ra các loại sản phẩm từ đồ gỗ mỹ nghệ đến đồ gỗ dân dụng. Giá trị sản xuất của làng nghề luôn đạt từ 80 - 100 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động với thu nhập bình quân từ 3 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Để tạo điều kiện cho nghề mộc truyền thống của địa phương phát triển, năm 2009, xã Nguyên Xá đã quy hoạch cụm công nghiệp (CCN) làng nghề với diện tích 15ha, đầu tư hơn 10 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng trong CCN. Đến nay, CCN đã thu hút được 3 doanh nghiệp may và 6 cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động trực tiếp và 600 lao động vệ tinh với thu nhập bình quân hơn 3 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, địa phương tiếp tục tạo điều kiện cho các cơ sở đồ gỗ của làng nghề thôn Thái đầu tư ra CCN, tiếp cận với các nguồn vốn vay để đầu tư mua sắm máy móc đưa vào sản xuất.
Về làng chạm bạc Đồng Xâm, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình giữa những ngày tháng 4. Thời gian này, ngày cũng như đêm, cả làng Đồng Xâm “quay cuồng” trong âm thanh ồn ã, sôi động của những nhát dao, búa gò hàn, chạm trổ. Nghề chạm bạc Đồng Xâm ra đời từ thế kỷ 15. Từ thời nhà Nguyễn, các nghệ nhân Đồng Xâm đã vào tận Huế để chạm trổ cung kiếm, móng thú và đồ trang sức cho triều đình. Thợ chạm bạc Đồng Xâm đã cùng các thợ bạc ở Châu Khê, Định Công lập ra phố Hàng Bạc ở Hà Nội ngày nay.
Đến nay ở Thái Bình có tất cả 229 làng nghề, trong đó ngoài những nghề truyền thống còn du nhập thêm nghề đan, móc sợi, làm hương, đan hạt cườm, chế tác đã mỹ nghệ….Thực hiện Nghị quyết 01/NQ-TU của Ban thường vụ Tỉnh uỷ, với những chính sách thông thoáng, thuận lợi thu hút đầu tư, các làng nghề truyền thống ở Thái Bình đã được khôi phục và có những thay đổi theo hướng tích cực, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, nâng cao sức cạnh tranh, đóng góp lớn vào tổng GDP của toàn Tỉnh. Thành công của Thái Bình trong dự án phát triển làng nghề không chỉ góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn mới, tạo ra sự phát triển kinh tế của Tỉnh mà còn giúp lưu giữ lại những tinh hoa văn hoá từ ngàn đời, giữ lại cái hồn dân tộc, đồng thời tạo nền tảng vững chắc để thế hệ con cháu không ngừng sáng tạo thêm..
BK