5 năm vừa qua (2005-2009), với nguồn kinh phí hỗ trợ hơn 2.095 triệu đồng, Trung tâm Khuyến công tỉnh Thái Bình đã hỗ trợ xây dựng 16 mô hình trình diễn; đào tạo khởi sự doanh nghiệp cho 970 người; đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề mới cho 1.903 người; hỗ trợ 14 dự án chuyển giao công nghệ; hỗ trợ quy hoạch 18 điểm, cụm công nghiệp làng nghề... Ngoài ra, Trung tâm khuyến công cũng đã mở rộng mạng lưới khuyến công viên tới từng xã, thị trấn trong tỉnh.
Phát huy hiệu quả từ những đề án đào tạo nghề, du nhập nghề mới của Trung tâm khuyến công, 5 năm qua số làng nghề của Thái Bình đã tăng đáng kể, từ 193 làng năm 2005 lên 291 làng năm 2009. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp làng nghề cũng tăng gấp đôi, từ 291 DN năm 2005 lên 586 DN năm 2009. Số lượng các làng nghề và DN làng nghề đều tăng, có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp nông thôn Thái Bình. Ngoài việc giải quyết việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người lao động, DN làng nghề chính là nơi tổ chức sản xuất, cung cấp nguyên liệu và thu mua, bao tiêu sản phẩm cho làng nghề.
Sự phát triển nhanh chóng của làng nghề và DN làng nghề đã thúc đẩy quá trình hình thành, phát triển các cụm, điểm công nghiệp và thu hút các nguồn đầu tư. Tính đến hết năm 2009, Thái Bình đã quy hoạch được 36 cụm công nghiệp, thu hút 254 dự án đầu tư, trong đó 158 dự án đã đi vào hoạt động và giải quyết việc làm cho 16.521 lao động. Việc xây dựng, quy hoạch các cụm, điểm công nghiệp đã giải quyết được mặt bằng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, khuyến khích kêu gọi các dự án đầu tư vào tỉnh, giúp cho sản xuất tiểu thủ công nghiệp của các làng nghề theo hướng tập trung, hạn chế tình trạng sản xuất phân tán không theo quy hoạch và tình trạng ô nhiễm môi trường.
Việc thực hiện có hiệu quả những chương trình, đề án thiết thực, khuyến công Thái Bình đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp nông thôn phát triển và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tích cực. Giá trị sản xuất công nghiệp 10 năm (thời kỳ 1991-2000) tăng bình quân 13,3%, đến giai đoạn 2001-2005 nhịp độ tăng trưởng bình quân đạt 17,8% và giai đoạn 2006-2010 dự kiến tốc độ tăng trưởng 27,5%.
Theo đánh giá của Sở Công Thương Thái Bình, công tác khuyến công thời gian qua đã từng bước phát triển và đạt được hiệu quả nhất định, hoạt động khuyến công đi vào thực chất và bám sát các chương trình, kế hoạch của trung ương và địa phương. Thông qua hoạt động khuyến công, Thái Bình đã thu hút thêm nhiều nguồn lực đầu tư và đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong việc đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn, tạo nên diện mạo mới cho công nghiệp nông thôn và góp phần thúc đẩy cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của tỉnh.
Việt Nga