Sự phát triển mạnh mẽ của các làng nghề đã tạo bước tiến dài cho ngành công nghiệp nông thôn của tỉnh Thái Bình, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, cơ sở hạ tầng nông thôn ngày một hoàn thiện, vấn đề an sinh xã hội được đảm bảo.


Thái Bình vốn là tỉnh có nhiều làng nghề, tuy nhiên những năm 2000 trở về trước sản phẩm làng nghề của tỉnh không mấy được chú trọng, chủ yếu tiêu dùng tại địa phương, quy mô làng nghề nhỏ lẻ, sản xuất đa phần là thủ công. Đến năm 2001, với chủ trương coi làng nghề là cái gốc để phát triển công nghiệp nông thôn Sở Công Thương tỉnh Thái Bình đã dành rất nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích các làng nghề phát triển như: ưu đãi về mặt bằng sản xuất, vốn, thuế, công tác bảo vệ môi trường, quảng bá sản phẩm… Sau 10 năm phát triển số lượng làng nghề của tỉnh đã có sự gia tăng đáng kể, từ 94 làng nghề năm 2001 lên 299 làng nghề năm 2010 và phần lớn số xã trong tỉnh có nghề phụ.


Dưới tác động của các chính sách ưu đãi, một số nghề và làng nghề của Thái Bình đã phát triển rất nhanh và tạo được thương hiệu trên thị trường như: nghề chạm bạc Đồng Xâm, trước đây nghề chạm bạc chỉ có ở Đồng Xâm nhưng hiện nay nghề đã phát triển ra khắp các địa phương lân cận như Lê Lợi, Hồng Thái, Trà Giang, Đông Kinh… Nghề chạm bạc đã tạo việc làm thường xuyên cho 2.000 lao động và giá trị sản xuất hàng năm đạt trên 70 tỷ đồng. Hay như nghề thêu, vốn bắt nguồn từ Minh Lãng (Vũ Thư) nhưng nay cũng đã tỏa đi khắp các huyện lân cận và thành phố Thái Bình. Toàn tỉnh hiện có 26 DN có quy mô lớn chuyên sản xuất hàng xuất khẩu như Công ty thêu Tuấn Dương, Công ty Mỹ Long… Nghề thêu có giá trị sản xuất hàng năm đạt trên 100 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 25.000 lao động khu vực nông thôn. Những năm gần đây nghề dệt khăn, vải cũng rất phát triển ở Thái Bình, không chỉ được ưa dùng ở thị trường trong nước, sản phẩm khăn, vải dệt của các làng nghề trong tỉnh cũng được xuất khẩu sang Thái Lan, Lào, Campuchia… với giá trị hàng năm đạt khoảng 600 tỷ đồng…


Cùng với sự gia tăng về số lượng, giá trị sản xuất của khu vực làng nghề cũng tăng đáng kể. Nếu như năm 2001 giá trị sản xuất khu vực làng nghề của tỉnh đạt 970 tỷ đồng thì đến năm 2010 đã tăng hơn 2,5 lần, đạt 2.590 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2001-2010 đạt 15%/năm. Giá trị sản xuất của các làng nghề tăng hàng năm góp phần làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tích cực.


Không chỉ góp phần làm tăng giá trị sản xuất, các làng nghề còn tạo rất nhiều việc làm cho lao động khu vực nông thôn, nhất là lao động nông nhàn. Tính đến hết năm 2010, số lao động làm việc tại các làng nghề của tỉnh là 148.820 lao động, cùng với đó, thu nhập của người dân khu vực nông thôn cũng được nâng lên đáng kể, từ 230.000/người/tháng vào năm 2000 lên 750.000/người/tháng năm 2010. Đây thực sự là những con số rất có ý nghĩa với một tỉnh có giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm đa phần trong cơ cấu kinh tế và đời sống của người dân còn phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp như Thái Bình.


Nhằm giúp các làng nghề trong tỉnh giải quyết vấn đề thiếu mặt bằng sản xuất, Sở Công Thương tỉnh còn chú trọng công tác quy hoạch cụm, điểm công nghiệp làng nghề. Đến năm 2010, Thái Bình đã quy hoạch được 19 cụm công nghiệp với diện tích 739,8ha và đạt 81,63% tỷ lệ lấp đầy. Ngoài ra, Thái Bình cũng hỗ trợ các DN làng nghề áp dụng hệ thống quản lý‎ chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008, SA 8000 để sản phẩm làng nghề có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.


Đánh giá về sự phát triển của nghề, làng nghề trong tỉnh lãnh đạo Sở Công Thương Thái Bình nhận định: Sự phát triển của nghề và làng nghề 10 năm qua đã tác động đến mọi mặt kinh tế - xã hội khu vực nông thôn và thực sự trở thành một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế tại địa phương./.
 

Việt Nga