Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn và nặng nề đòi hỏi sự nỗ lực của toàn ngành và từng doanh nghiệp. Trong bối cảnh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức thì việc đạt được tốc độ tăng trưởng sản xuất gần 17% thể hiện sự cố gắng cao của toàn ngành. Ngoại trừ khu vực kinh tế Nhà nước tăng trưởng thấp (4,88%), các khu vực còn lại đều đạt tốc độ tăng trưởng ở mức hai con số. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân tăng 14,93% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng tới 29,64%. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ lực đều duy trì được sản xuất, chiếm lĩnh tốt thị trường.
Trong số 23 mặt hàng công nghiệp chủ lực, chỉ có hai mặt hàng sụt giảm sản xuất đó là bia các loại và khí mỏ, còn lại 21 mặt hàng đều tăng trưởng sản xuất so với nửa đầu năm 2010. Một số mặt hàng đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao, điển hình như: phôi thép đạt 188.000 tấn, tăng 24,5%; sứ vệ sinh đạt 366.000 sản phẩm, tăng 11,6%; thức ăn chăn nuôi đạt gần 29.000 tấn, tăng 10,8%; quần áo may sẵn đạt xấp xỉ 30 triệu sản phẩm, tăng 6%; gạch xây đạt 460 triệu viên, tăng 10%; gạch ốp lát các loại đạt 6,13 triệu m2, tăng 15,8%; xơ polyester đạt 11.755 tấn, tăng 49,3%, v.v... Sản phẩm bia các loại tuy sụt giảm 9,9% so với cùng kỳ năm trước song sản lượng vẫn đạt 47,35 triệu lít. Duy chỉ có sản phẩm khí đốt phục vụ cho Khu công nghiệp(KCN) Tiền Hải là sụt giảm tới hơn 50% sản lượng so với nửa đầu năm 2010.
Khu vực nghề và làng nghề vẫn phát triển ổn định với 229 làng nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận, hiện các làng nghề đang tạo việc làm cho khoảng 149.000 lao động. Về thu hút đầu tư, 6 tháng đầu năm nay có 16 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký 2.356 tỷ đồng đưa tổng số dự án được cấp phép tính đến hết tháng 6/2011 lên 403 dự án với số vốn đăng ký 56.840 tỷ đồng. Trong đó có 298 dự án đã hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động với số vốn đầu tư 11.646 tỷ đồng, bước đầu tạo việc làm cho khoảng 94.000 lao động.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực và toàn diện nhưng tình sản xuất CN- TTCN 6 tháng đầu năm vẫn còn một số hạn chế. Đó là giá trị sản lượng mới đạt 40,84% so với kế hoạch cả năm; tốc độ tăng trưởng thấp, không đạt kế hoạch đề ra; một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng ở mức thấp; số lượng dự án đầu tư thu hút mới và số dự án hoàn thành đi vào sản xuất đạt thấp. Nguyên nhân chính của những hạn chế nói trên chủ yếu do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới; tình hình lạm phát trong nước tăng cao khiến cho giá nguyên liệu đầu vào tăng theo; lãi suất ngân hàng bị đẩy lên quá cao. Lạm phát và lãi suất tăng nên một số doanh nghiệp công nghệ thấp phải sản xuất cầm chừng, thậm chí ngừng sản xuất còn các doanh nghiệp công nghệ cao thì không dám đầu tư mở rộng quy mô.
Những khó khăn trên sẽ tiếp tục tác động mạnh đến tình hình sản xuất CN- TTCN những tháng cuối năm. Tuy nhiên, Ngành Công Thương vẫn không điều chỉnh mục tiêu, phấn đấu giá trị sản xuất cả năm đạt 12.540 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2010. Để hoàn thành mục tiêu này, trong 6 tháng còn lại của năm toàn ngành phải đạt giá trị sản xuất 7.419 tỷ đồng, cao hơn 2.300 tỷ đồng so với 6 tháng đầu năm. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi sự quyết tâm và phấn đấu quyết liệt của các cấp, các ngành và của từng doanh nghiệp. Về phía Ngành Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện một số quy hoạch chuyên ngành như dệt may, da giầy, sử dụng khí thấp áp cho KCN Tiền Hải làm căn cứ cho việc thu hút các dự án đầu tư. Bên cạnh đó, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư xây dựng hạ tầng các khu- cụm công nghiệp bảo đảm sẵn sàng về mặt bằng khi doanh nghiệp có nhu cầu; có phương án điều hành công tác cung ứng điện một cách hợp lý trong điều kiện xảy ra thiếu nguồn bảo đảm hài hoà giữa sản xuất và đời sống dân sinh; kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng, mở rộng quy mô sớm đưa nhà xưởng vào hoạt động; tích cực phối hợp với các tập đoàn kinh tế lớn của Trung ương để đẩy nhanh tiến độ một số dự án lớn đang triển khai tại tỉnh ta như dự án Trung tâm điện lực; khách sạn dầu khí, khai thác thử nghiệm bể than đồng bằng sông Hồng, khai thác khí ngoài khơi đưa vào bờ phục vụ sản xuất tại KCN Tiền Hải; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia hội chợ quảng bá thương hiệu ở cả trong và ngoài nước; tổ chức các chương trình đưa hàng về nông thôn, các chương trình khuyến mại nhằm kích cầu tiêu dùng đồng thời kiểm soát tốt thị trường, chống gian lận thương mại tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.
Ngoài ra, Ngành Công Thương cũng sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên tất cả các mặt, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng "một cửa", "một cửa liên thông", nhất là trong hoạt động đầu tư nhằm giảm tối đa phiền hà cho doanh nghiệp.
Nguồn: Sở Công Thương Thái Bình