Theo báo cáo của các phòng công thương, phòng kinh tế thành phố, 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất CN-TTCN, TMDV đều đạt trên 40% kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ tuy có tăng nhưng thấp hơn so với yêu cầu kế hoạch đề ra.
Thực tế 6 tháng qua, nền kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro và biến động bất thường đã ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của cả nước nói chung và của Thái Bình nói riêng. Tình hình giá cả tăng cao (cả nước tăng >16% riêng Thái Bình tăng 14,55%); Lạm phát tăng cao, khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn do lãi suất ngân hàng tăng cao từ 23-24%, cộng với nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng dẫn đến một số doanh nghiệp công nghệ thấp sản xuất cầm chừng hoặc ngừng sản xuất, Các doanh nghiệp công nghệ hiện đại duy trì sản xuất mà không dám mở rộng quy mô, v.v...
Như vậy, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng chí Giám đốc Sở chỉ đạo cần tăng cường tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về vốn, mặt bằng sản xuất và lao động. Tăng cường công tác xúc tiến thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CNN), tạo điều kiện thu hút đầu tư vào các KCN, CCN, ưu tiên những dự án có quy mô vốn đầu tư với giá trị sản xuất công nghiệp lớn, đóng góp ngân sách nhà nước cao, công nghiệp phụ trợ, những dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, ít ô nhiễm... các dự án chế biến nông sản thực phẩm. Thu hút những dự án sử dụng nhiều lao động vào các CCN. Tiếp tục quan tâm chỉ đạo phát triển nghề và làng nghề theo chiều sâu gắn với bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, hỗ trợ cho các làng nghề suy giảm; tiến hành rà soát cấp lại bằng công nhận làng nghề đủ tiêu chuẩn có thời hạn trong toàn tỉnh, mở rộng phát triển đối với nghề giải quyết nhiều việc làm cho nhân dân, v.v...
Các huyện cần tham gia tích cực phối hợp với Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam đẩy nhanh tiến độ khoan thăm dò, khai thác thử nghiệm bể than sâu; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khoan đánh giá trữ lượng và khai thác khí ở ngoài khơi đưa khí vào Thái Bình phục vụ phát triển sản xuất của KCN Tiền Hải.
Tham mưu giúp Ban chỉ đạo điều hành và cung ứng điện năm 2011 của tỉnh chỉ đạo điều hành, kiểm tra kiểm soát công tác điều tiết điện trong điều kiện thiếu nguồn, một cách hợp lý bảo đảm cho sản xuất phát triển và đời sống nhân dân ổn định. Triển khai xây dựng 34 công trình điện dự án Năng lượng nông thôn 2 mở rộng ở 34 xã.
Khuyến khích đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại, Siêu thị, chợ đầu mối, chợ nông thôn, theo hình thức BOT... từng bước xóa “chợ dột nát” ở nông thôn; Tăng cường quảng bá thương hiệu sản phẩm hàng hóa, doanh nghiệp trên trang Web của Sở; tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ uy tín trong nước và ngoài nước; làm tốt công tác chuẩn bị tổ chức thành công hội chợ quốc tế tại Thái Bình năm 2011; Quan tâm phát triển thị trường xuất khẩu;Tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát thị trường, chống nhập lậu, trốn lậu thuế, đầu cơ, làm hàng giả, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu: vật tư nông nghiệp, nguyên nhiên vật liệu, nông sản thực phẩm...giữ vững ổn định bảo đảm nguồn cung bình ổn giá cả thị trường, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng và văn minh hơn góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển.
Sở Công Thương tỉnh Thái Bình