Thái Nguyên là một tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển đa dạng các lĩnh vực như: Luyện kim, khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, cơ khí, động cơ Diezel... Tính đến tháng 12/2009, trên địa bàn toàn tỉnh có trên 1.850 doanh nghiệp đang hoạt động.


Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) trên địa bàn trong những năm gần đây đạt từ 11-14%/năm. Tuy nhiên, bên cạnh việc phát triển của các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, sự bùng nổ các loại hình doanh nghiệp thì vấn đề ô nhiễm môi trường cần được quan tâm đặc biệt.

Trước thực tế như vậy, trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm, đầu tư đến công tác bảo vệ môi trường. và đến sản xuất sạch hơn trong các doanh nghiệp luyện kim. Năm 2008, Thái Nguyên đã triển khai chương trình sản xuất sạch hơn đến các Nhà máy Luyện gang (Cty CP Gang thép Thái Nguyên); Công ty CP Cơ điện Luyện kim Thái Nguyên; Cty TNHH khoáng sản và luyện kim Trung Việt... Đặc biệt, với kết quả của 3 năm triển khai sản xuất sạch hơn (SXSH), năm 2007-2009, những mô hình đầu tiên áp dựng sản xuất sạch hơn (SXSH) trong công nghiệp ở Thái Nguyên đã đem lại không những về lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp mà còn có ý nghĩa trong sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Điển hình như Nhà máy xi măng Lưu Xá là điểm nóng do khói bụi lò cao, không những ảnh hưởng đến sức khoẻ của người lao động mà còn gây ô nhiễm cho môi trường xung quanh. Sau khi Nhà máy tham gia dự án và đưa ra 19 giải pháp SXSH với tổng chi phí hơn 1,5 tỷ đồng, chuyển đổi công đoạn gia công đá sang hệ thống kín có hệ thống lọc bụi; thay thế các gioăng đệm bị hỏng; lắp biến tần tại các vị trí thích hợp; thay thế các động cơ có công suất phù hợp; phân tích xử lý số liệu, xác định loại trừ nguyên nhân sự cố, từ đó, tối ưu hoá quá trình sản xuất. Sau 1 năm thực hiện các giải pháp này, Nhà máy đã tiết kiệm 390 triệu đồng tiền điện. Công ty Kim loại màu Thái Nguyên, Công ty Cp Giấy xuất khẩu Thái Nguyên cũng là những doanh nghiệp tham gia chương trình rất hiệu quả... Những kết quả đạt được này sẽ tạo niềm tin cho các doanh nghiệp đã và đang tham gia chương trình, nhất là việc triển khác dự án trong ngành Luyện kim

Có thể thấy rất rõ việc triển khai SXSH ở Thái Nguyên đã có nhiều khả quan, những bài học kinh nghiệm của những đơn vị đi trước đã cho thấy một lợi ích thực tế khi doanh nghiệp triển khai áp dụng giải pháp SXSH từ quản lý nội vi đến các giải pháp đầu tư lớn trong các doanh nghiệp. Nhưng việc triển khai chương trình SXSH vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do nhận thức về SXSH của các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Điều đáng nói đó là sự hỗ trợ về vốn đầu tư thực hiện giải pháp của Chương trình này ít hơn rất nhiều so với sự đầu tư của doanh nghiệp. Hiện nay, ở Thái Nguyên, các doanh nghiệp sản xuất thép, vật liệu chịu lửa... cũng đang triển khai các dự án SXSH như Công ty CP Cơ điện Luyện kim, Công ty CP Vật liệu chịu lửa Thái Nguyên, Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng, Nhà máy luyện Gang, Nhà máy luyện Thép Lưu Xá (Công ty Gang thép Thái Nguyên)... Các doanh nghiệp này đã có nhiều cố gắng trong quá trình triển khai nhưng một phần do nguồn vốn đến với doanh nghiệp chậm nên các đơn vị vẫn chưa hoàn thiện dự án. Đây chính là khó khăn mà đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền và triển khai các dự án về SXSH của Thái Nguyên đang gặp phải. Ông Phan Văn Hùng, Phó Giám đốc Nhà máy Luyện gang cho biết, có rất nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là về hỗ trợ vốn cho việc thực hiện các giải pháp chậm nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của Dự án. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực triển khai Hợp phần sản xuất sạch hơn của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên, doanh nghiệp rất cần chính sách hỗ trợ của Nhà nước về vốn vay mà cụ thể là hỗ trợ của dự án cho các doanh nghiệp. Có như vậy các giải pháp SXSH mới được thực hiện đồng bộ và việc bảo vệ môi trường sẽ đạt được mục tiêu đề ra.

 

Hằng Thương