Thái Nguyên là một trong những địa phương có diện tích trồng chè lớn nhất cả nước và nghề trồng chè, chế biến chè thực sự trở thành nghề truyền thống gắn bó, đem lại cuộc sống ổn định cho hàng trăm nghìn hộ dân nơi đây.


Cây trồng mũi nhọn


Theo thống kê, đến hết năm 2014, tổng diện tích chè của Thái Nguyên là hơn 20.700 ha, trong đó diện tích chè cho sản phẩm là 17.618 ha với năng suất bình quân đạt 109,4 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi 192.700 tấn; diện tích chè trồng mới và trồng lại trên 1.700 ha.


Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên luôn tích cực đẩy mạnh chương trình cải tạo vườn chè, giống chè, đến năm 2014, toàn tỉnh đã có hơn 11.600 ha chè giống mới, chất lượng cao, chiếm 56,4% so với tổng diện tích chè toàn tỉnh, giá trị sản phẩm của cây chè theo giá hiện hành ước đạt 1.800 tỷ đồng, chiếm 27% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt và chiếm 14% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.


Từ cây chè, toàn tỉnh hiện có trên 40 doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè; hơn 80 làng nghề sản xuất, chế biến chè được công nhận và 23 hợp tác xã sản xuất chè; tổng sản lượng chè búp khô tiêu thụ hàng năm trên 39.000 tấn.


Khẳng định vị thế trong sản xuất chế biến chè, thời gian qua tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức các festival trà (năm 2011, 2013) và năm 2015 - festival chè lần thứ Ba cũng được tiếp tục tổ chức. Ngoài giới thiệu, quảng bá các sản phẩm trà Việt Nam nói chung, cũng là dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học, các doanh nghiệp, người trực tiếp trồng, sản xuất chế biến chè của Thái Nguyên được cọ sát, trao đổi kinh nghiệm chế biến, kinh doanh chè; xúc tiến giới thiệu các sản phẩm mới... nhằm tìm ra những định hướng phát triển nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm trà Thái Nguyên.


Nâng cao giá trị và phát triển bền vững


Nhằm tiếp tục phát triển cây chè một cách bền vững, nâng cao giá trị cây chè, tỉnh Thái Nguyên đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp theo hướng tăng đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của cây chè, ngành chè Thái Nguyên trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chế biến theo hướng sản xuất sản phẩm an toàn, chất lượng cao; đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm chè, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.


Tỉnh đã xây dựng các dự án về phát triển cây chè: Quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP, đầu tư cơ sở hạ tầng vùng chè an toàn, đầu tư thay thế giống mới...


Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng đồng bộ khoa học công nghệ mới trong sản xuất, chế biến chè, ứng dụng giống mới có năng suất, chất lượng tốt để sản xuất chè xanh chất lượng cao; đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến công; xây dựng, nhân rộng mô hình trình diễn về sản xuất, chế biến chè, mô hình liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ chè; thiết lập các kênh phân phối hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng vào siêu thị, xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, tăng cường các hoạt động quảng bá, bán hàng trên kênh trực tuyến...


Tỉnh Thái Nguyên đang tập trung hỗ trợ phát triển chè ở các huyện còn tiềm năng như Phú Bình, Võ Nhai, cải tạo vườn chè cũ, chè già năng suất thấp và tiếp tục quảng bá thương hiệu chè Thái Nguyên ra các địa phương trên cả nước cũng như các thị trường tiêu thụ chè chủ lực trên thế giới./.

 

ARID