Phát huy các tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, tài nguyên khoáng sản, hệ thống giáo dục - đào tạo, Thái Nguyên hôm nay đang từng bước vươn lên khẳng định vị thế trung tâm kinh tế vùng trung du miền núi phía Bắc.
* Đột phá từ công nghiệp, thu hút đầu tư
Bám sát chủ đề "Huy động tối đa mọi nguồn lực, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tạo sự phát triển nhanh và bền vững...", trong 5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, giành được nhiều thành tựu quan trọng, nhất là trong việc phát triển kinh tế, đưa Thái Nguyên thực sự thoát khỏi tình trạng kém phát triển, tự tin bước vào hàng ngũ các tỉnh có số thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Theo thống kê chưa đầy đủ, năm nay, dự ước giá trị công nghiệp của toàn tỉnh đạt trên 12.200 tỷ đồng (theo giá cố định năm 1994), tính theo giá thực tế giá trị sản xuất công nghiệp của Thái Nguyên phải lên tới hơn 30.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 18,7%/năm. Có thể nói, chưa bao giờ sản xuất công nghiệp ở Thái Nguyên có nhiều triển vọng lạc quan như hiện nay. Ngoài các cơ sở công nghiệp truyền thống tại thành phố Thái Nguyên, thị xã Sông Công còn có các dự án công nghiệp lớn đang gấp rút được triển khai như: Dự án mở rộng, cải tạo sản xuất Công ty cổ phần gang thép giai đoạn II có số vốn đầu tư lên tới hơn 4000 tỷ đồng, dự án khai thác mỏ đa kim Núi Pháo - Đại Từ trị giá đầu tư trên 100 triệu USD, Tổ hợp khu công nghiệp - chế xuất - đô thị Yên Bình rộng trên 8.000 ha.... Đáp ứng cho công nghiệp phát triển, toàn tỉnh đã có 6 khu công nghiệp và 25 cụm công nghiệp được phê duyệt...
Một trong những kết quả khả quan nhất trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm qua ở Thái Nguyên đó chính là thu hút đầu tư. Tính từ năm 2006 đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 380 dự án được chấp thuận đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 100 nghìn tỷ đồng, trong đó có 171 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư và 209 dự án được chấp thuận đầu tư. Ngoài các dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước, toàn tỉnh hiện có 24 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (vốn FDI) với số vốn đăng ký khoảng 100 triệu USD... Hàng loạt các dự án lớn có tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng được triển khai trên địa bàn tỉnh: Nhà máy cán thép Thái Trung công suất 500.000 tấn/năm, Nhà máy nhiệt điện An Khánh, Nhà máy xi măng Quan Triều, Khu công nghiệp Điềm Thụy - Phú Bình...
Bên cạnh những bước đột phá quan trọng trong phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư, Thái Nguyên hiện nay cũng có những bước tiến đáng kể trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Ngoài mạng lưới các quốc lộ qua địa bàn như: Quốc lộ 3, Quốc lộ 37, Quốc lộ 1B... đã cơ bản được nâng cấp cải tạo, Thái Nguyên đang đẩy nhanh tiến độ thi công đường cao tốc Thái Nguyên - Hà Nội, mở ra rất nhiều triển vọng mới trong việc kết nối với vùng kinh tế trọng điểm Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Từ những kết quả khả quan trong phát triển kinh tế, Thái Nguyên luôn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 11%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước, GDP bình quân đầu người năm 2010 ước đạt 17,4 triệu đồng (tương đường 950 USD), gấp 2,5 lần so với năm 2005. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. So với đầu năm 2006 hiện tỷ trọng công nghiệp - xây dựng đã tăng từ 38,7% lên 41,6%, nông lâm thủy sản giảm từ 26% xuống còn 21%...
* Những định hướng cho tương lai
Không bằng lòng với những kết quả đạt được, để khẳng định thực sự là "đầu tàu" kinh tế cho vùng trung du miền núi bắc Bộ và trở thành một trong những trung tâm kinh tế lớn của cả nước, trong giai đoạn 2011 - 2015, Thái Nguyên xác định các mục tiêu chính: tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 12 - 13%/năm, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 20%/năm, thu ngân sách hàng năm tăng 20% trở lên để đến năm 2015 đạt trên 4000 tỷ đồng, GDP đầu người tính theo giá thực tế đạt 45 triệu đồng, tương đương 2.100 USD/năm... tạo tiền đề vững chắc nhằm đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020.
Để đạt được những mục tiêu này, Thái Nguyên đã xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó đặc biệt chú trọng tới việc xây dựng cơ chế, chính sách nhằm huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nhất là ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực hàng xuất khẩu, chế biến nông lâm sản - thực phẩm, tiếp tục phát triển các sản phẩm thế mạnh của tỉnh như: luyện kim, cơ khí chế tạo, sản xuất vật liệu xây dựng... Trong giai đoạn này, Thái Nguyên chủ trương phát triển công nghiệp đa ngành, đa lĩnh vực, khuyến khích mọi thành phần đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp trên địa bàn, đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng cho phát triển công nghiệp, từng bước chuyển dịch cơ cấu nội ngành theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, lắp ráp... Tỉnh cũng tiếp tục hoàn thiện và tăng cường cải cách hành chính trong thu hút đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp cùng Nhà nước tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, hiện đại hóa hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, công nghiệp, thương mại - du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế...
Tuy nhiên để những nhiệm vụ, giải pháp này phát huy hiệu quả, Thái Nguyên cũng cần khắc phục một số tồn tại, yếu kém bộc lộ trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm qua như: hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển còn thấp, chất lượng nguồn nhân lực chưa được cải thiện, trình độ khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn chỉ ở mức trung bình, công tác bảo vệ môi trường trong phát triển công nghiệp chưa được chú trọng, gây áp lực cho quá trình phát triển bền vững.../.
Hoàng Thảo Nguyên