Năm 2013, hoạt động khuyến công của tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện được 09 đề án thuộc Chương trình khuyến công quốc gia (KCQG) và 10 đề án thuộc Chương trình khuyến công địa phương (KCĐP) với tổng kinh phí là: 5.870,44 triệu đồng. Hoạt động khuyến công đã ngày càng được quan tâm và từng bước khẳng định vai trò, vị thế trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT) và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội đáng kể cho địa phương.

 

Được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, Thanh Hóa đã tổ chức đào tạo nghề may công nghiệp cho 400 lao động; đào tạo nghề gia công cơ khí và sửa chữa thiết bị cho 250 lao động; đào tạo nghề rua, móc xuất khẩu cho 100 lao động; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất chiếu cói chất lượng cao cho 03 đơn vị; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật đúc cán thép hợp kim chất lượng cao và thép phi tiêu chuẩn, mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm nhựa dân dụng từ hạt nhựa PI, mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến sản phẩm ngao đông lạnh, mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gạch không nung từ bột đá thải. Tổ chức Hội chợ hàng CNNT các tỉnh phía Bắc năm 2013. Phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 tổ chức đào tạo nghề may công nghiệp cho 750 lao động tại 03 đơn vị.


Thực hiện chương trình khuyến công địa phương đã tổ chức các khóa đào tạo nghề rua, móc xuất khẩu cho 500 lao động; đào tạo nghề đan lẵng hoa, đèn lồng xuất khẩu cho 250 lao động; đào tạo nghề đan móc hộp xuất khẩu cho 500 lao động; đào tạo nghề thêu ren đính cườm xuất khẩu cho 250 lao động. Đồng thời, thực hiện hỗ trợ 09 cơ sở CNNT ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất hàng CN-TTCN; hỗ trợ tổ chức 06 lớp tập huấn khởi sự doanh nghiệp;... Ngoài ra, còn hỗ trợ cho các cơ sở CNNT, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia các hội chợ công nghiệp – thương mại ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Ninh Bình, Hà Tĩnh; tuyên truyền về hoạt động khuyến công trên Đài Truyền hình Việt Nam...


Nhìn chung, được sự hỗ trợ nguồn kinh phí của chương trình KCQG cũng như KCĐP, khuyến công Thanh Hóa đã lựa chọn được các đề án có tính khả thi cao, phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp ở khu vực nông thôn, góp phần vào việc thực hiện chính sách "tam nông" của Đảng và Nhà nước. Mặc dù mức hỗ trợ kinh phí của mỗi đề án khuyến công không lớn nhưng bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực, như: góp phần thúc đẩy CNNT phát triển, chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hoá; tạo công ăn việc làm cho người lao động, xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống, giảm các tệ nạn xã hội ở khu vực nông thôn; nhiều làng thuần nông đang dần trở thành làng có nghề; khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó, từ sự quan tâm, giúp đỡ, động viên của Nhà nước thông qua các hoạt động khuyến công, các DN, cơ sở sản xuất CNNT ở địa phương đã thêm vững tin vào định hướng sản xuất đã chọn, đồng thời thu hút các đối tượng đang còn do dự mạnh dạn đầu tư vào sản xuất.


Năm 2014, theo Quyết định số 532/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa dành trên 3,2 tỷ đồng hỗ trợ cho các hoạt động khuyến công địa phương. Các chương trình, đề án tập trung vào các lĩnh vực như: Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất; hỗ trợ tập huấn khởi sự doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp; hỗ trợ tổ chức và tham gia các chương trình hội chợ hàng CN-TTCN;... Kinh phí khuyến công quốc gia cũng dành 1,25 tỷ đồng cho các khóa đào tạo nghề cho lao động nông thôn.


Với những chương trình, đề án khuyến công thiết thực, hiệu quả đã có tác động tích cực đến cơ sở CNNT trên địa bàn, giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu; hỗ trợ sản xuất CN-TTCN phát triển nhanh và năng động hơn. Hoạt động khuyến công cũng tạo việc làm cho hàng vạn lao động, góp phần ổn định tình hình nông thôn, đồng thời nâng cao dân trí và đời sống của người lao động trong tỉnh ngày càng được nâng cao.


Hương Lê