Với vai trò là một trung tâm lớn của cả nước, thời gian qua, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh liên tục tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các ngành có giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học - công nghệ cao chiếm tỉ trọng ngày càng lớn; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển các khu đô thị mới, chỉnh trang các khu đô thị theo hướng văn minh, hiện đại; di dời hệ thống cảng biển đạt kết quả tích cực; công tác quản lý, bảo vệ và xử lý ô nhiễm môi trường có tiến bộ; các nguồn lực xã hội được phát huy; quy mô kinh tế tiếp tục được mở rộng; vị trí, vai trò của Thành phố đối với vùng và cả nước ngày càng được khẳng định, đóng góp tích cực vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

 

Sáu tháng đầu năm nay, tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn TP.HCM ước đạt 378.915 tỉ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng mạnh trong cùng kỳ hai năm liên tiếp. Đặc biệt, sau sự kiện ở biển Đông, Thành phố đã chủ động tập trung chỉ đạo giữ ổn định môi trường đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Có được kết quả trên phải kể đến vai trò quan trọng của Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020; Nghị định số 124/2004/NĐ-CP quy định về một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh.


Để tạo đà phát triển cho Thành phố, ngày 19/6/2014 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 124/2004/NĐ-CP quy định về một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với thành phố Hồ Chí Minh. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 8/8/2014. Cơ chế ngân sách đặc thù quy định tại Nghị định này được thực hiện từ năm ngân sách 2014 đến năm 2016; khi Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi có hiệu lực thi hành sẽ thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước mới.


Nhằm phát huy kết quả đã đạt được, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 (phấn đấu đạt được chỉ tiêu tăng GDP năm 2014 từ 9,5% đến 10%) và kế hoạch 5 năm (2011- 2015), Thành phố đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm phát triển công nghiệp, thương mại trong thời gian tới như sau: (1) Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong và ngoài nước; chuẩn bị giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh khi có những yếu tố tác động không thuận lợi; trong đó chủ động triển khai giải pháp tháo gỡ khó khăn cụ thể cho từng nhóm doanh nghiệp; (2) Tiếp tục làm tốt công tác quản lý thị trường, trong đó có Chương trình bình ổn giá; (3) Tiếp tục cơ cấu lại sản xuất gắn liền với Chương trình xây dựng nông thôn mới; (4) Tổ chức triển khai có kết quả công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, kế hoạch sắp xếp cổ phần hóa, bảo đảm đúng tiến độ đã được phê duyệt. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; (5) tăng cường liên kết với các địa phương, trước hết là các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; (6) xem xét, chuẩn bị phương án để chủ động trong lãnh đạo, điều hành quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư,... nhằm thích nghi với những tình huống phức tạp có thể xảy ra trước tình hình diễn biến phức tạp ở biển Đông.


Lê Mai Hương