Ngoài những hạn chế về vốn, quy mô, công nghệ, mẫu mã sản phẩm đơn điệu, chậm cải tiến, sự tác động của suy thoái kinh tế thế giới khiến hợp đồng xuất khẩu bị giảm sút cũng là nguyên nhân không nhỏ khiến sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề ngày càng khó tiêu thụ.

Để tự cứu mình, một số doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất tranh thủ công mỹ nghệ đang chuyển hướng quay về khai thác thị trường nội địa.


Đơn hàng xuất khẩu giảm


Không chỉ thị trường trong nước, mà cả thị trường xuất khẩu, sản phẩm sản xuất từ các làng nghề truyền thống đang chịu chung cảnh đìu hiu vào những tháng cuối năm. Chương Mỹ là huyện dẫn đầu Hà Nội với 33 làng nghề, 70% trong số đó là làng nghề sản xuất mây giang đan xuất khẩu. Theo ông Đào Xuân Hà, Phó phòng Kinh tế Chương Mỹ, chưa bao giờ làng nghề lại èo uột như lúc này, hầu hết sản phẩm mây giang đan là xuất khẩu nhưng nhiều DN đã mất bạn hàng do đối tác gặp khó khăn về kinh tế; do sản phẩm không cạnh tranh được với sản phẩm các nước khác như Thái Lan, Trung Quốc; trong khi đó DN của ta lại không tìm được các đối tác mới…


Không xuất khẩu được hàng, nguồn vốn bị tồn đọng, nhiều DN phải vay vốn lãi suất ngân hàng cao nên thua lỗ nặng. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất của nhiều làng nghề ngày càng khan hiếm và không thể chủ động được.


Huyện Phú Xuyên (Hà Nội) cũng có tới 37 làng nghề, chuyên sản xuất các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường truyền thống (Nga, Ðông Âu). Tuy nhiên, hiện nay sức mua bị suy giảm xuống 50% - 60%. Các đơn đặt hàng cũ đều bị hủy bỏ hoặc được lấy với số lượng ít hơn hẳn khiến các doanh nghiệp tồn đọng hàng, một số đơn vị đã buộc phải đóng cửa sản xuất. Nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì vốn vay ngân hàng từ đầu năm để sản xuất, kinh doanh, đến cuối năm hàng hóa chưa bán kịp để trả nợ, lãi suất lên cao, không đủ tiền trả lương cho công nhân. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu khan hiếm, phải nhập khẩu thêm từ nước ngoài - đã đẩy giá thành sản phẩm lên cao, khiến cho nghề mây tre đan rơi vào tình cảnh khó khăn chồng chất khó khăn.


Quay lại thị trường nội địa


Thực tế, hàng thủ công mỹ nghệ là sản phẩm có tiềm năng thị trường trong nước rất lớn. Khi chuyển hướng từ thị trường xuất khẩu sang nội địa, nếu DN đầu tư mạnh việc phát triển sản phẩm nhờ những thiết kế mới, độc đáo có thể cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, Thái Lan để chiếm lĩnh thị trường nội địa. Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và truyền thông Sao Khuê cho rằng, tại thời điểm này, mặc dù DN phải chi thêm một số khoản đầu tư cho việc phát triển sản phẩm, mở showroom, quảng bá, chăm sóc khách hàng nhưng bù lại, nhiều đơn hàng trong nước cũng không hề thua kém xuất khẩu, nhất là cung cấp cho nhà hàng, khách sạn, resort...Cũng theo chị Hạnh, hiện nay, thị trường xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ nói chung và sản phẩm tranh thủ công mỹ nghệ nói riêng đang giảm sút buộc các DN dần quay lại thị trường nội địa, nơi có tiềm năng tiêu thụ lớn nhưng còn bỏ ngỏ.


Là DN chuyên xuất khẩu sản phẩm bàn ghế, giỏ, túi xách từ lục bình, nhựa giả mây, Công ty SGP một năm trở lại đây, lượng hàng sản xuất trong nước của công ty tăng trên 30% nhờ sản xuất hàng cho các dự án nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp tại Phan Thiết, Đà Nẵng, Phú Quốc...


Ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội) cho biết: "Trong những năm qua, bên cạnh việc hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội tìm kiếm thị trường xuất khẩu, Trung tâm còn chú trọng hỗ trợ các DN trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm ngay tại thị trường nội địa. Các DN nên đoàn kết, chia sẻ cho nhau. Bởi chỉ có đồng lòng cùng xây dựng thương hiệu tranh thêu thủ công mỹ nghệ Việt lớn mạnh thì mới có cơ hội phát triển đột phá và vững chắc trong tương lai.

 


Lan Anh