Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang chuyển dịch kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, trong đó lấy công nghiệp - thương mại làm động lực chính phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.


Tỉnh đã đầu tư hình thành 4 khu công nghiệp (KCN) lớn, trong đó KCN Phú Bài là nơi thu hút đầu tư lớn nhất, đến nay đã có 41 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký 3.501,1 tỷ đồng, trong đó có 23 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn 1.580 tỷ đồng. Cụm công nghiệp Hương Sơ có 32 dự án, trong đó có 12 dự án đã đi vào hoạt động, 8 dự án đang xây dựng. KCN Tứ Hạ (Phong Điền) đã có nhiều dự án đầu tư. Bên cạnh thực hiện nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, lấp đầy các dự án tại các KCN lớn, tỉnh còn đầu tư xây dựng 5 cụm công nghiệp khác là Bình Điền, Điền Lộc, Quảng Phú, Bắc An Gia, Aco. Giá trị sản xuất công nghiệp hiện tăng từ 14% - 16,8%. Một số sản phẩm tăng trưởng khá như xi măng tăng 26,7%, bia Huda tăng 13,4%, hàng thuỷ sản tăng 10%, may gia công tăng 60%... Việc khôi phục và phát triển các làng nghề được quan tâm, giải quyết một số lượng lớn lao động, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu như nghề pháp lam, mây tre đan, dệt zèng, gốm sứ, sơn mài, thêu ren...


Thừa Thiên - Huế cũng đang trên đà xây dựng trở thành trung tâm thương mại lớn của cả nước, tạo hành lang kinh tế thương mại làm động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đặc biệt, tỉnh phát triển thương mại gắn với các địa bàn kinh tế trọng điểm như thành phố Huế, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Đây là một đòn bẩy để phát triển các ngành sản xuất và dịch vụ khác, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ hiện nay tăng 18,3%. Nhiều Trung tâm thương mại lớn, siêu thị, chợ... đang tiếp tục đầu tư xây dựng và phát triển như đại siêu thị Big C, siêu thị Thuận Thành, siêu thị Trường Tiền Plaza…


Thừa Thiên - Huế định hướng xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp, thương mại đến năm 2015 và tầm nhìn 2020. Theo đó, tốc độ tăng trưởng công nghiệp giai đoạn từ nay đến năm 2020 tăng trung bình từ 18 - 19%/năm. Các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển trong giai đoạn này là công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản; công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản, thực phẩm đồ uống; công nghiệp dệt may, giày, sản xuất và phân phối điện, cơ khí chế tạo, sản xuất kim loại. Đặc biệt, tỉnh ưu tiên cho phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin. Đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ hình thành 8 KCN, khu công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 8.000 ha. Đến năm 2015, phát triển 16 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với tổng diện tích khoảng 560ha. Tỉnh tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh 4 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gồm: KCN Chân Mây thuộc Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (huyện Phú Lộc), KCN Phú Bài (thị xã Hương Thủy), KCN Tứ Hạ (huyện Hương Trà) và KCN Phong Điền (huyện Phong Điền). Một số ngành nghề được đầu tư để tăng năng lực sản xuất trong thời gian tới, gồm: Đúc đồng, mộc mỹ nghệ, mây tre đan, bún thực phẩm, chế biến thủy, hải sản, tinh bột sắn...


Tỉnh huy động khoảng 166.298 tỷ đồng đến 188.395 tỷ đồng vốn đầu tư trong giai đoạn từ nay đến 2020. Trong đó, vốn huy động từ ngân sách khoảng 30% đến 32%; vốn dân cư và doanh nghiệp từ 16 - 18%; tín dụng 13 - 15%; vốn nước ngoài và các nguồn vốn khác 32 - 35%. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ xã hội và doanh thu dịch vụ của Thừa - Thiên Huế dự kiến đạt 23.107 tỷ đồng vào năm 2015, tăng bình quân 14,5%/năm, và đến năm 2020 đạt 56.296 tỷ đồng.../.
 

Quốc Việt