Từ năm 2010 trở đi, nguồn vốn khuyến công được tỉnh Thừa Thiên - Huế tập trung hỗ trợ phục hồi nhà trường và đào tạo nghề cho lao động tại các khu công nghiệp.

Tỉnh hỗ trợ 100% chi phí khảo sát, thiết kế trùng tu nhà vườn cho tất cả các đối tượng nhà vườn thuộc danh mục cần phải bảo tồn. Trên cơ sở khuyến khích các chủ nhà vườn tự bỏ vốn trùng tu nhà, tỉnh xem xét cho vay không lãi vốn trùng tu nhà vườn từ quỹ bảo tồn nhà vườn; mức vốn cho vay từ 60-70% dự toán trùng tu được duyệt, nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng/hộ và chủ nhà vườn phải có 30-40 % vốn đối ứng để thực hiện trùng tu. Đối với một số nhà vườn thật sự có giá trị tiêu biểu, mang đậm nét văn hoá nhà vườn truyền thống Huế nhất thiết phải bảo tồn (số lượng hạn chế 3-5nhà/năm) tuỳ theo điều kiện cụ thể để xét hỗ trợ kinh phí trùng tu, tôn tạo nhà, nhưng không vượt quá 100 triệu đồng/nhà.

Tại huyện Phong Điền, Trung tâm Khuyến công tỉnh đã hỗ trợ thực hiện đề án "Đào tạo truyền nghề mộc mỹ nghệ, dân dụng và chạm khắc để gia công sản xuất, phục hồi nhà rường" cho doanh nghiệp tư nhân Thường Trực; đề án "Chuyển giao bí quyết chế biến nước mắm để nâng cao chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản xuất nước mắm" của DNTN Đảnh Vân và đề án ‘Đào tạo nghề may công nghiệp” của DNTN Hậu Hoa. Huyện Phú Vang với đề án "Thiết kế bản mẫu mới để sản xuất các sản phẩm tranh truyền thống làng Sình" phục vụ du lịch của Cơ sở Kỳ Hữu Phước; và đề án "Đào tạo thợ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ cổ truyền xuất khẩu Nhật Bản" của Công ty TNHH TM DL Đông Kinh, thành phố Huế. Tại các huyện Hương Trà, Phú Lộc năm nay sẽ tổ chức 8 lớp đào tạo nghề may cho hơn 150 lao động.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thuý Hoà cho biết: Từ khi thực hiện Nghị định 134/2004/NĐ-CP của Chính phủ đến nay, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh. Kết quả, tỉnh tập trung giải quyết việc làm cho gần 2.300 lao động nông thôn qua chương trình đào tạo nghề; tạo điều kiện cho 189 lượt cơ sở sản xuất tiếp cận thị trường qua các hội chợ, triển lãm; 18 cơ sở sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa công nghệ và đầu tư đổi mới máy móc thiết bị với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng; có 11 cụm công nghiệp - TTCN được quy hoạch chi tiết và 9 cụm CN - TTCN đã có đầu tư hạ tầng kỹ thuật với tổng diện tích đang sử dụng trên 100 ha, tổng vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật là 66 tỷ đồng.../.
 

Quốc Việt, TTXVN