Mối quan hệ kinh tế - thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ hiện nay đang phát triển hết sức tốt đẹp. Ấn Độ hiện là thị trường lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Á và là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trên thế giới.

 

Trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ luôn đạt mức độ tăng trưởng khả quan với tốc độ tăng ấn tượng. Trong 5 năm qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này tăng trung bình khoảng 320 triệu USD/năm, với tỷ lệ là 46,22%/năm. Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn từ năm 2008 – 2009, trước khi Hiệp định Thương mại hàng hóa Asean - Ấn Độ (AIFTA) được ký kết, mặc dù vẫn tăng trưởng nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này còn khiêm tốn, lần lượt đạt 389 triệu USD và 420 triệu USD.

 

Tuy nhiên, kể từ năm 2010 khi AIFTA bắt đầu có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đã có sự biến chuyển đáng kể. Năm 2010 cũng là năm trị giá xuất khẩu tăng mạnh nhất, đạt 992 triệu USD, tăng tới trên 136% và hơn 572 triệu so với năm 2009. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ tăng trưởng chậm hơn hai năm 2011 và 2010, đạt xấp xỉ 1,8 tỷ USD, tăng 16,7% và hơn kim ngạch năm 2011 là 255 triệu USD.

 

Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ ngày càng đa dạng về cơ cấu ngành hàng cũng như tăng về trị giá xuất khẩu, dần dần tạo được thương hiệu, chỗ đứng và niềm tin đối với người tiêu dùng tại thị trường này.

 

Năm 2011 và 2012, trong các mặt hàng xuất khẩu sang Ấn Độ, có 4 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 100 triệu là điện thoại các loại và linh kiện, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, cao su, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Các mặt hàng này đều thuộc nhóm hàng công nghiệp và có tốc độ tăng trưởng tốt trong những năm gần đây (máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng là mặt hàng duy nhất có kim ngạch giảm vào năm 2012, tuy nhiên, mức độ giảm là nhỏ, trên 2%). Trong năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu của 3 mặt hàng này đạt 1,1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng tới 61,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

 

Một trong số các mặt hàng xuất khẩu đáng chú ý khác của Việt Nam sang Ấn Độ trong nhóm hàng công nghiệp phải kể tới là sắt thép các loại. Tổng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này từ năm 2008 – 2012 đạt 294 triệu USD, đứng thứ 5 trong tất cả các mặt hàng. Trong giai đoạn trước năm 2011, kim ngạch xuất khẩu sắt thép các loại của Việt Nam sang Ấn Độ đạt giá trị cao và góp phần đáng kể vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ cũng như làm giảm giá trị nhập siêu cao sang thị trường này. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng sắt thép các loại đạt 112,74 triệu USD, tăng trưởng tới 58% so với năm 2010.

 

Tuy nhiên đến năm 2012, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng sắt thép các loại lại giảm nhanh chóng, hơn 62% so với năm 2011 (chỉ đạt 42,45 triệu USD). Các doanh nghiệp Việt Nam nên tăng cường sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm từ sắt thép như sản phẩm khung sắt thép, kết hợp với các nguyên vật liệu khác như nhựa, mây, vải… để đảm bảo ổn định xuất khẩu, tăng giá trị sản phẩm mà không làm ảnh hưởng tới nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước.

 

Cao su là mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 3 trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ, thuộc nhóm hàng công nghiệp. Kể từ năm 2008 đến nay, mặt hàng này đã tăng trưởng đều đặn qua các năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm qua của mặt hàng cao su đạt trên 412 triệu USD, đứng sau 02 mặt hàng là điện thoại các loại và linh kiện; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam tại thị trường Ấn Độ đạt trên 212 triệu USD, tăng tới 95% so với năm 2011. Ấn Độ là quốc gia đứng thứ 2 trên thế giới về tiêu dùng cao su tự nhiên và là nhà sản xuất lớn thứ 4 trên thế giới về mặt hàng này. Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia sản xuất cao su tự nhiên đứng thứ 5 trên thế giới, vì vậy, đây là một mặt hàng xuất khẩu hết sức tiềm năng của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ.

 

Nhóm hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam là nhóm hàng có kim ngạch lớn thứ 2 trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ. Mỗi năm Ấn Độ xuất khẩu hơn 500.000 tấn gia vị các loại với tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,7 tỷ USD. Vì vậy, Ấn Độ cần nhập các mặt hàng nông sản của Việt Nam như cà phê, hạt tiêu, hạt điều… để chế biến và thêm phần giá trị gia tăng, sau đó sẽ tái xuất. Đây là nhóm hàng có lợi thế và năng lực cạnh tranh trong dài hạn của Việt Nam, mặc dù giá trị gia tăng còn thấp. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đối với các mặt hàng thuộc nhóm này do đó đều có kim ngạch và tốc độ tăng trưởng tốt và ổn định: mặt hàng cà phê năm 2008 có kim ngạch đạt 9,74 triệu USD, tuy nhiên, đến năm 2012, đã tăng đến 6 lần, đạt 57,5 triệu USD. Mặt hàng hạt tiêu trong 5 năm, từ 2008 – 2012 cũng có kim ngạch tăng 4,5 lần và tăng cao nhất trong năm 2011 (gấp đôi so với năm 2010). Bên cạnh đó, đối với các mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thủy sản, có thể thấy rằng, mặc dù vẫn có sự tăng trưởng trong năm 2012, tuy nhiên, mức tăng trưởng là thấp và chậm.

 

Trong nhóm hàng nông sản thủy sản, mặt hàng thủy sản là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng thấp nhất. Mặt hàng này cũng mới chỉ được xuất khẩu sang Ấn Độ từ năm 2010. Đến năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của hàng thủy sản đạt 15,14 triệu USD. Việc hàng thủy sản của Việt Nam khó xuất khẩu sang thị trường này là do, Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn trên thế giới. Trong năm tài chính 2011 – 2012, kim ngạch xuất khẩu của hàng thủy sản của Ấn Độ đạt 3,4 tỷ USD.Trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ, nhóm hàng khoáng sản bao gồm 02 mặt hàng chính là than đá; quặng và khoáng sản khác. Mặt hàng than đá cũng là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Ấn Độ trong 5 năm qua. Tổng kim ngạch xuất khẩu của than đá trong 5 năm qua đạt 227 triệu USD, đứng thứ 6 trong các mặt hàng. Trong năm 2010, mặt hàng này là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2, sau điện thoại các loại và linh kiện, đạt xấp xỉ 79 triệu USD, tăng tới 350% so với năm 2009. Mặc dù nhu cầu về than của thị trường Ấn Độ vẫn còn rất lớn, tuy nhiên, năm 2011 xuất khẩu than đá đã giảm một nửa, chỉ đạt 39,09 triệu USD và năm 2012, đạt 40,21 triệu USD. Bên cạnh đó, quặng và các loại khoáng sản khác cũng đã giảm sút đáng kể. Một trong những nguyên nhân dẫn tới việc xuất khẩu các mặt hàng thuộc nhóm khoáng sản giảm như vậy là do chủ trương và các chính sách nhằm hạn chế xuất khẩu tài nguyên của Việt Nam.

 

Như vậy, trong giai đoạn gần đây, kể từ sau năm 2010, cơ cấu về ngành hàng của hàng hóa xuất khẩu sang Ấn Độ có sự phân chia rõ rệt. Tất cả các mặt hàng có kim ngạch lớn, chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu đều tập trung vào nhóm hàng công nghiệp. Vì vậy, biến động đối với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ sẽ bị phụ thuộc chính vào nhóm hàng này. Các loại hàng hóa khác vẫn được xuất khẩu đều đặn sang Ấn Độ, tuy nhiên kim ngạch thường nhỏ và vừa.

 

Ấn Độ là một trong những quốc gia đông dân nhất trên thế giới. Nhu cầu về các mặt hàng rất đa dạng và phong phú. Vì vậy, Việt Nam còn nhiều tiềm năng để xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này, có thể kể tới các mặt hàng như: nông sản (hạt điều, gia vị, chè xanh, chè đen, lạc, tơ, thực phẩm đóng hộp), cao su tự nhiên, hàng mỹ nghệ, vật liệu xây dựng và thiết bị vệ sinh, quần áo may sẵn… Đây cũng là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam trong việc xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

 

Lê Phương