Sau năm năm triển khai, cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động đã làm thay đổi cách nghĩ, văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam. CVĐ cũng tạo động lực cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước cải tiến công nghệ, tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và của cả nền kinh tế... Đẩy lùi tâm lý sính ngoại


Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nhận định, sau năm năm triển khai CVĐ, đã có những thay đổi rõ rệt trong nhận thức từ nhà quản lý, DN sản xuất cũng như người tiêu dùng về ưu tiên sử dụng hàng Việt. Trước khi có CVĐ, chỉ có 20% người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt, đến nay, tỷ lệ này đã tăng lên hơn 70%. Một trong những yếu tố quyết định sự thành công của CVĐ cho đến thời điểm này, đó là sự vào cuộc mạnh mẽ của cộng đồng DN, nhà quản lý cũng như toàn thể xã hội. Nhất là nỗ lực thúc đẩy mở rộng mạng lưới phân phối ở thị trường trong nước bằng cách đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa...


Nhấn mạnh về hiệu quả CVĐ đã giúp cho hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của các DN được chú trọng tại thị trường trong nước, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Võ Văn Quyền cho biết, nếu như trước đây, hàng Việt chỉ chiếm một phần khá khiêm tốn trong hệ thống các siêu thị, các cửa hàng, chợ truyền thống, thì đến thời điểm này, trên các hệ thống phân phối hàng hóa ở hầu hết các tỉnh, thành phố, hàng Việt đã chiếm đến 80% - 90%. Tâm lý sính ngoại đang dần được đẩy lùi trong phương thức mua sắm, tiêu dùng của phần đông người dân. Đặc biệt, qua CVĐ, DN trong nước nhận thức tốt hơn vai trò của mình từ năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, giá cả cho đến tổ chức sản xuất, phân phối.


Nhờ đó, nhiều DN khẳng định chỗ đứng tại thị trường trong nước. Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh Lê Ngọc Đào, có tới 92% người dân TP Hồ Chí Minh cho rằng, có rất nhiều thay đổi trong hành vi mua sắm kể từ khi triển khai CVĐ. Hàng sản xuất trong nước được bày bán tại các chợ truyền thống, các siêu thị trong TP Hồ Chí Minh đạt tỷ lệ trung bình 80% - 95%.


Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam là một chủ trương đúng đắn, kịp thời giúp các DN có thêm những biện pháp mới, phương thức mới trong hợp tác sản xuất, kinh doanh. Ngày 4/10/2009, 100% các đảng ủy trực thuộc khối DN trung ương đã ký giao ước thực hiện CVĐ bằng chương trình hành động cụ thể: “Các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong khối ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của nhau”. Các DN khi thực hiện đầu tư, mua sắm vật tư, nguyên liệu trong sản xuất, kinh doanh, phương tiện làm việc có ý thức sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước. Nhờ đó, tỷ lệ sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của các DN trong nước tăng cao, có DN đạt hơn 90% như Dầu khí, Điện lực, Than - Khoáng sản, Hóa chất, Bưu chính - Viễn thông, Dệt may, Xăng dầu, Cao-su, Xi-măng, Thép... Việc thực hiện Thỏa thuận này giữa các DN cũng góp phần giảm tỷ lệ tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; và tăng thị phần tại thị trường trong nước của các sản phẩm từ các tập đoàn, tổng công ty.

 

Nâng tầm thương hiệu Việt


Vụ trưởng Võ Văn Quyền cho rằng, đến nay người tiêu dùng Việt Nam nói chung ngày càng đánh giá cao hàng Việt Nam. Tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giày có tới 80% số lượng người ưa chuộng; nhóm hàng thực phẩm, rau quả có tới hơn 58%...

Trong hệ thống siêu thị, hàng hóa sản xuất trong nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn từ 80% đến 90%. CVĐ đã góp phần giảm tỷ lệ nhập siêu, nhất là năm 2012 và 2013, cán cân thương mại của cả nước đã liên tục đạt trạng thái xuất siêu (năm 2012 xuất siêu 287 triệu USD, năm 2013 xuất siêu 862 triệu USD).


Theo Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, người tiêu dùng ngày càng ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Hàng do các DN trong nước sản xuất đã đến được các vùng sâu, vùng xa. Mấy năm nay, hàng Việt Nam được cải thiện về mẫu mã, kiểu dáng phong phú, công nghệ mới được áp dụng vào sản xuất, cho nên chất lượng được nâng cao, kênh phân phối được mở rộng, hàng Việt đã về đến nông thôn. Nhiều chính sách của Nhà nước khuyến khích sản xuất trong nước đã được định hình. Đây chính là cơ hội cho hàng Việt lan tỏa, cạnh tranh thuận lợi hơn trên mọi phân khúc thị trường, tại tất cả các kênh phân phối, từ siêu thị, các trung tâm thương mại đến các cửa hàng bán lẻ, các sạp hàng trong các chợ đủ loại ở cả thành thị và nông thôn. Việc tổ chức đưa hàng về nông thôn đã góp phần đưa CVĐ lan tỏa.


Số lượng các đợt bán hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo... tăng lên cả về số lượng và quy mô tùy theo từng địa bàn. Cụ thể, trong năm năm qua, các Sở Công Thương đã tổ chức được gần 2.000 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 53.000 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút hơn ba triệu lượt người dân địa phương tới tham quan, mua sắm và doanh thu mang lại hơn 34,47 nghìn tỷ đồng. Tại các tỉnh biên giới, các đợt bán hàng Việt không chỉ thu hút được người dân trên địa bàn tới tham quan, mua sắm mà còn thu hút được đông đảo người dân của các nước láng giềng như Lào, Cam-pu-chia...


Chính sự thay đổi nhận thức của người tiêu dùng trong nước về sản phẩm hàng hóa Việt và nhất là sự nỗ lực của bản thân DN, đã góp phần hỗ trợ các DN trong nước mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, tăng doanh thu, lợi nhuận.


Năm năm thực hiện CVĐ cũng đánh dấu thành công của chiến lược phát triển thương hiệu của nhiều DN. Thương hiệu Việt đang dần khẳng định được vị thế, tăng khả năng cạnh tranh với các nhãn hiệu hàng hóa nước ngoài tại thị trường trong nước.


LIÊN HOA