Nhằm mục tiêu phấn đấu trở thành huyện công nghiệp vào năm 2015, huyện Thường Tín (Hà Nội) đã chọn công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp làm hướng đi mang tính đột phá.


Thường Tín nổi tiếng nhất với nghề mây tre đan. Gia đình bà Đặng Thị Loan – thôn Sâm Dương 3 – xã Ninh Sở là một trong những gia đình lâu đời nhất trong nghề mây tre đan tại Ninh Sở. Chỉ với những nguyên liệu rẻ tiền như những thanh nứa, thanh tre, thậm chí là những khúc bèo tây, qua bàn tay kỳ diệu của thợ thủ công lập tức biến thành những chiếc túi thời trang, đèn ngủ, lọ đựng hoa... tỉ mỉ và tinh xảo. Để nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm, cơ sở còn kết hợp sản xuất mây tre giang đan với sơn mài. Hiện nay, 90% mặt hàng mây tre giang đan của xã Ninh Sở là sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Italia... Với 126 làng nghề thủ công rải rác khắp huyện, trong đó có 43 làng được công nhận là làng nghề cấp thành phố, Thường Tín vốn được coi là một trong những “cái nôi làng nghề” lâu đời nhất nước ta. Nằm ở phía Nam, cách thủ đô Hà Nội khoảng hơn 20 km, địa thế thuận lợi này từ xa xưa đã được các “cụ tổ nghề” Thường Tín tận dụng để phát triển các ngành nghề thủ công mỹ nghệ. Bức tranh làng nghề Thường Tín đa dạng và đầy màu sắc với các ngành nghề nổi tiếng như: Làng thêu Quất Động, Làng mây tre đan Ninh Sở, Làng sơn mài Hạ Thái, làng bánh giày Duyên Thái, làng đá Hiền Giang... Các làng nghề đều có tuổi đời hàng trăm năm và được truyền lại từ đời này sang đời khác.
Trong năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của suy thoái nhưng các hộ làm nghề ở Ninh Sở do giữ vững được chất lượng, có nhiều bạn hàng lâu năm nên nhiều hộ gia đình vẫn ổn định sản xuất. Theo ông Đặng Huy Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Sở: “80% dân số trong xã đều làm nghề. 5/7 thôn trong xã đã được công nhận là làng nghề cấp tỉnh. Hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 25 cơ sở thu gom, mua hàng cho nhân dân. Các cơ sở sản xuất phát triển mạnh đã tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động trong xã và hàng trăm lao động ở các địa phương lân cận”.
Bên cạnh nghề mây tre đan, Thường Tín còn nổi tiếng với nghề thêu đã tồn tại hàng trăm năm. Đến cơ sở thêu ren Thành Công của ông Lưu Văn Sở - thôn Lưu Xá - xã Quất Động vào những ngày này có thể bắt gặp không khí rộn ràng tại các xưởng thêu. Những sản phẩm tại cơ sở sản xuất của ông như gối, túi, tranh thêu... chủ yếu được bán cho khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch. Ông Sở cho biết: “Đây là một mặt hàng được rất nhiều du khách nước ngoài ưa chuộng. Có thời điểm chúng tôi làm không hết việc, thu nhập hàng năm đạt đến hơn 1 tỷ đồng. Còn trung bình mỗi năm thu nhập của xưởng cũng vào khoảng 500 đến 700 triệu đồng”.
Dù quyết tâm gìn giữ nghề truyền thống nhưng hàng loạt khu công nghiệp phát triển hiện nay đã tạo cho lớp trẻ nguồn công việc mới với mức thu nhập hấp dẫn hơn. Các nghệ nhân giỏi ngày càng ít dần. Đó là chưa kể sự phân chia không đồng đều của nguồn lợi đạt được sau lao động. Ông Trịnh Đình Miền - Phó Chủ tịch UBND xã Quất Động cho biết: “Chỉ những người làm đầu mối thu gom sản phẩm mới giàu, chứ những người làm thuê kiếm tiền thì chỉ đủ ăn, không bao giờ giàu được”.
Để giữ nghề truyền thống, huyện Thường Tín đang xây dựng một số điểm công nghiệp (ĐCN) làng nghề tại một số làng nghề như ĐCN Vạn Điểm rộng 7,2 ha; ĐCN Duyên Thái rộng 12,6 ha, ĐCN Ninh Sở rộng 5,1ha, ĐCN Tiền Phong rộng 8,6ha. Đồng thời, mở các lớp truyền nghề nhằm nâng cao tay nghề cho lớp trẻ. Giáo viên các trường mỹ thuật, nghệ nhân và các thợ bậc cao đã được mời về để dạy tại các làng nghề này. Ủy ban huyện phối hợp với các ngân hàng để tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp tại các làng nghề có điều kiện phát triển. Mục tiêu của Thường Tín là ưu tiên phát triển các ngành nghề truyền thống vừa để góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của toàn huyện, vừa gìn giữ những ngành nghề truyền thống mà ông cha đã để lại.
 

CTV. Bảo Ngọc