Là một trong 62 huyện nghèo cả nước, gần đây kinh tế - xã hội của huyện Thường Xuân đã có những bước phát triển nhất định, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt, nhờ có những chủ trương, chính sách đúng đắn nhằm phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

 

Đánh giá về những kết quả được, ông Cầm Bá Xuân – Chủ tịch huyện cho rằng: Nguyên nhân quan trọng là Đảng bộ, UBND huyện đã xác định đúng hướng đi, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế mà Đảng bộ đề ra. Trong đó, một trong những giải pháp hữu hiệu là huyện tăng cường cải cách hành chính, đẩy mạnh công tác chỉ đạo điều hành nâng cao hiệu lực và hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước; thu hút đầu tư từ các công ty, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp vào địa bàn huyện; thực hiện cơ chế một cửa liên thông, các thủ tục hồ sơ được niêm yết công khai; đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp bằng cách tạo quỹ đất, giải phóng mặt bằng, miễn, giảm một số khoản thu hằng năm thuộc thẩm quyền để các dự án được triển khai đúng tiến độ.


Với những chủ trương đó, cả hệ thống chính trị từ xã đến huyện vào cuộc quyết liệt, tạo bước đột phá từ khâu thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, giải quyết việc làm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng – thương mại và dịch vụ. Năm 2013, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 15%, trong đó, giá trị tăng của các ngành Công nghiệp – TTCN – XDCB đạt 252 tỷ đồng (tăng 22,8%); Thương mại - dịch vụ đạt 365,9 tỷ đồng (tăng 14,4%). Đây là kết quả thể hiện sự nỗ lực, phấn đấu của toàn thể nhân dân và chính quyền địa phương sau khi triển khai, thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.


Khai thác lợi thế sẵn có về tiềm năng lâm sản, Thường Xuân đã có nhiều cách làm hay, hướng đi đúng. Hiện tại, trên địa bàn có đến 65 doanh nghiệp, 8 HTX và 2 tổ hợp sản xuất đã đầu tư sản xuất, kinh doanh. Trong đó, chủ yếu đầu tư sản xuất, chế biến nông sản – lâm sản, sản xuất đồ mộc cao cấp, cơ khí gò hàn, may mặc, dệt thổ cẩm… tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động, với mức thu nhập từ 1,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng.


Công ty TNHH Mây tre đan Quốc Đại là doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm tre đan: chao đèn lồng, chậu hoa, đĩa cuốn, lẵng hoa… từ nguyên liệu nứa vầu, sản phẩm xuất đi các nước Châu Âu. Năm 2013, công ty đã mở chi nhánh tại Cửa Đạt – huyen Thường Xuân nhằm tận dụng lợi thế về nguyên liệu, nhân công và cơ chế ưu đãi… Đến nay, Công ty đã tạo việc làm cho hơn 20 lao động địa phương và 100 lao động tại xã Thọ Thanh (Thường Xuân) có việc làm ổn định, thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Cũng khai thác về nguồn lâm sản này, năm 2011 tổ hợp Lâm Sơn được thành lập với ngành nghề chủ yếu sản xuất đũa tre và giấy vàng mã. Mỗi năm, tổ hợp đã cung cấp ra thị trường hàng vạn đôi đũa và hàng chục vạn tấn giấy vàng mã các loại. Hiện, tổ hợp đang giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với thu nhập từ 3,6 – 6 triệu đồng/người/tháng.


Bên cạnh đó, huyện Thường Xuân khuyến khích các doanh nghiệp khôi phục làng nghề truyền thống: phát triển, du nhập ngành nghề mới; xây dựng các cụm, điểm TTCN vừa và nhỏ, tạo sự liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp, người nông dân và vùng nguyên liệu; đồng thời, tăng cường công tác đào tạo lao động cho người lao động; quy hoạch lại các vùng nguyên liệu cho sản xuất. Hiện tại, huyện đã và đang triển khai Đề án bảo tồn và phát triển bền vững cây Quế Thường Xuân (Quế Ngọc), (trồng thêm 100 ha quế).


Sắp tới, huyện Thường Xuân sẽ tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp, thành phần kinh tế đầu tư vào địa bàn nhằm tạo ra bước đột phá trong việc thu hút đầu tư phát triển công nghiệp và giải quyết nhiều việc làm hơn nữa.


Văn Trường