Từ nguồn Quỹ khuyến công, đến nay tỉnh Tiền Giang đã triển khai 143 dự án hỗ trợ các cơ sở ngành nghề công nghiệp nông thôn với tổng kinh phí hơn 8,5 tỷ đồng bao gồm hỗ trợ đầu tư và sau đầu tư, trình diễn kỹ thuật, đào tạo nghề, quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại... Trong đó, đã đào tạo và dạy nghề cho 5.150 lao động tại các địa bàn nông thôn.



Qua khảo sát cho thấy, nguồn vốn hỗ trợ và hoạt động khuyến công tại tỉnh Tiền Giang phát huy tốt hiệu quả. Các cơ sở được nhận hỗ trợ ăn nên làm ra, nguồn vốn sản xuất, kinh doanh tăng bình quân hơn 60% so với trước khi được hỗ trợ, sản phẩm sản xuất tăng gần 53%, doanh thu tăng hơn 67%. Riêng các lao động được đào tạo nghề từ nguồn kinh phí khuyến công, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo chiếm đến hơn 90%, trong đó có hơn 60% lao động có việc làm gia công tại nhà tăng thêm thu nhập.


Từ nguồn vốn Quỹ khuyến công quốc gia, tỉnh Tiền Giang đã tập trung xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, tạo chuyển biến trong sản xuất, kinh doanh cũng như tạo thêm nguồn hàng có giá trị xuất khẩu lớn. Ðó là các mô hình trình diễn máy gặt đập liên hợp phục vụ cơ giới hóa trong nông nghiệp, mô hình giết mổ gia cầm bán tự động, mô hình chế biến ghẹ xuất khẩu, mô hình trình diễn máy cấp đông siêu tốc... Nhờ đó, diện mạo nông nghiệp - nông thôn khởi sắc và chuyển dịch lao động từ nông nghiệp đơn thuần sang công nghiệp nông thôn đẩy mạnh, các làng nghề truyền thống ở Tiền Giang có thêm sức mạnh mới để phát triển.


Thanh An