Đó là nội dung chính của buổi tọa đàm “Giải pháp phát triển hợp tác xã, làng nghề - Khả năng liên kết, hợp tác” diễn ra tại Hà Nội ngày 3/12/2009.

Tại đây, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm phát huy khả năng của các làng nghề truyền thống. Trong đó, kết hợp sản xuất, thương mại với du lịch là một trong những giải pháp được nhiều hợp tác xã (HTX), làng nghề quan tâm và áp dụng. Bởi theo đại diện các HTX, làng nghề, phát triển du lịch tại các làng nghề không chỉ thu hút thêm du khách trong và ngoài nước đến tham quan mà còn góp phần thúc đẩy thương mại và sản xuất tại các làng nghề phát triển.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ nhiệm HTX Lụa Vạn Phúc - Hà Nội cho biết: Mỗi năm, làng Vạn Phúc đón gần trăm ngàn lượt khách đến tham quan, trong đó khách nước ngoài khoảng 20.000 lượt với khoảng 30% sản phẩm được tiêu thụ.  Chia sẻ kinh nghiệm thành công, ông Hùng cho biết: HTX Lụa Vạn Phúc đã không ngừng xây dựng thương hiệu cho mình bằng nhiều cách khác nhau như: Tham gia các hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện truyền thông đại chúng và xây dựng website riêng để quảng bá hình ảnh.

Tương tự làng Vạn Phúc, làng cổ Bát Tràng cũng là nơi thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm, nhất là vào các ngày cuối tuần. Theo ông Nguyễn Văn Cường - Chủ nhiệm HTX Công nghiệp Song Cường (Bát Tràng), có được kết quả như vậy là do Bát Tràng đã khéo léo tạo ra những sân chơi thú vị nhằm hấp dẫn, níu chân du khách mỗi khi đến tham quan như: vẽ gốm, nặn gốm…

Mặt khác, với tư duy năng động trong thời buổi kinh tế thị trường, người dân Bát Tràng cũng ý thức được việc cần sản xuất và đưa ra thị trường những sản phẩm mà khách hàng cần thay vì sản xuất tràn lan và bán cho họ những gì mình có. Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Yên, Phó chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng: Các làng nghề Việt Nam có tiềm năng rất lớn, nếu biết cách tổ chức tốt sẽ tác động rất lớn đến sự phát triển của kinh tế đất nước.

Không thể phủ nhận những kết quả mà các làng nghề Việt Nam đã mang lại, tuy nhiên nếu đánh giá một cách khách quan thì chúng ta vẫn còn quá yếu trong khâu tổ chức, xây dựng, quảng bá hình ảnh các làng nghề. Điều này thể hiện qua việc rất ít làng nghề biết cách quảng bá thông tin, hình ảnh của mình đến với công chúng. Vì thế, dù sản phẩm có tốt nhưng người tiêu dùng vẫn ít biết đến. Theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, hiện nay mới chỉ có 1% các HTX, làng nghề có website, một con số quá nhỏ. Vì thế, để tăng khả năng cạnh tranh và phát huy lợi thế của mình, các HTX, làng nghề nên tích cực hơn nữa trong việc xây dựng hình ảnh của mình đến với công chúng. Mặt khác, ông Yên cũng cho rằng, các HTX, làng nghề nên có sự liên kết chặt chẽ với nhau trong tất cả các khâu, từ sản xuất đến tiêu thụ thay vì chỉ liên kết với nhau trong khâu tiêu thụ như hiện nay./.
 

Đinh Lan - Nguyễn Hoà